Theo kế hoạch khuyến công địa phương năm 2024 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công là 1,8 tỷ đồng.
Theo đó, nguồn kinh phí được sử dụng để hỗ trợ xây dựng và đăng ký 3 nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho 2-3 cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, cấp khu vực; hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2024; hỗ trợ thiết kế và in ấn tem nhãn, tham gia các hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn; tổ chức tập huấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn và chuyển đổi số…
Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng 1 - 2 mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 2 - 4 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 1 - 2 cơ sở thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường…
Chương trình khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất, ứng dụng máy móc, trang thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế gia tăng ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai hoạt động khuyến công; kiểm tra định kỳ, đột xuất, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch đề ra, đảm bảo việc sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Hoài Thanh