Hà Tĩnh: Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Được biết, năm 2024 tổng kế hoạch vốn đầu tư công theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh là hơn 5.466 tỷ đồng.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 22/9, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 4.280 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch Thủ tướng giao và bằng 49% kế hoạch vốn đã phân bổ, cao hơn ước thực hiện 9 tháng của cả nước (cả nước ước đạt 42,63% kế hoạch vốn giao).

Trong đó vốn bộ, ngành quản lý giải ngân đạt hơn 497 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 52% kế hoạch vốn đã phân bổ; Vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt gần 1.414 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 28% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý giải ngân đạt xấp xỉ 2.369 tỷ đồng, bằng 134% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 84% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Có 22/44 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn 32% kế hoạch vốn đầu tư do bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý; 22/44 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 32% kế hoạch vốn đầu tư do bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý, đặc biệt có 9/44 địa phương, đơn vị chưa giải ngân vốn.

Tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 4.280 tỷ đồng.
Tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 4.280 tỷ đồng.

Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Sở Tài chính Hà Tĩnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư và UBND tỉnh Hà Tĩnh

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng các công trình khởi công mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chủ động rà soát tình hình thực hiện của từng dự án trên địa bàn, từ đó phân nhóm vướng mắc (thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân....) để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Kịp thời thu hồi các khoản tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định.

Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; báo cáo đề xuất điều chuyển gửi báo cáo bằng Văn bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn cho các dự án khác.

Hoài Thanh