Hải Phòng: Đón dự án sản xuất thiết bị điện tử 200 triệu USD tại KCN DEEP C

Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận cho dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện của USI tại Việt Nam do Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam làm chủ đầu tư

Universal Scientific Industrial Việt Nam là một công ty con thuộc sở hữu của Universal Scientific Industrial (gọi tắt là USI). USI là nhà thiết kế và sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu và đã được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải từ năm 2012.

USI quyết định đặt dự án mở rộng tại thành phố cảng Hải Phòng để tận dụng vị trí địa lý chiến lược, chi phí lao động cạnh tranh, ưu đãi thuế khu kinh tế, từ đó, tăng cường lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, cũng như đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.

Nhà máy của USI
Nhà máy của USI

Thông tin nhà máy mới của USI sẽ được xây dựng trên diện tích 6,5 ha tại Khu công nghiệp DEEP C, thuộc Khu kinh tế Đinh Vũ - Cát Hải, Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD trong giai đoạn 1. Trong giai đoạn sản xuất hàng loạt, USI sẽ cung cấp bảng mạch điện tử cho thị trường nước ngoài, tạo ra hàng ngàn việc làm tại địa phương và tận dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số của Hải Phòng. Dự án đầu tư của USI vào DEEP C được dự đoán sẽ ​​giúp thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao hơn đến khu công nghiệp này, từ đó đặt nền móng cho sự ra đời của một cụm sản xuất thiết bị điện tử mới tại Hải Phòng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã thu hút 19 dự án FDI cấp mới, 14 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn thu hút đạt 693,6 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 46,2% kế hoạch năm 2020 (1,5 tỷ USD). Lũy kế đến 30/6/2020, các KCN, KKT thu hút 383 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 15,441 tỷ USD.  

Đại diện chủ đầu tư cho biết, việc đầu tư vào cơ sở mới tại Việt Nam đánh dấu một bước đa dạng hóa đầu tư quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa của Công ty. Thông qua đó, Công ty có thể tận dụng lợi thế về chi phí lao động, ưu đãi thuế và vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam để giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, nâng cao hiệu quả cũng như tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Huy Đức