Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) công bố BCTC quý II với doanh thu tăng 80% lên 97 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp đạt 20 tỷ đồng, tăng 89%. Biên lãi gộp cải thiện từ 19,5% lên 20,5%.
Các chi phí khác cũng tăng nhưng mức tăng thấp hơn doanh thu như chi phí bán hàng tăng 9%, chi phí quản lý tăng 1,2%, chi phí tài chính tăng 63%.
Theo đó, doanh nghiệp có lãi sau thuế 6,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 1,7 tỷ đồng. Nhờ vậy, lũy kế nửa đầu năm, Hanoimilk ghi nhận doanh thu tăng 51% lên 141 tỷ đồng; lãi sau thuế 7,3 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 109 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Theo doanh nghiệp, doanh thu và lợi nhuận cải thiện trong những quý gần đây nhờ việc tung ra sản phẩm thức uống dinh dưỡng vị trái cây, tăng hiệu quả thông qua gia công cho đối tác. Dù vậy, tính đến cuối quý II, lỗ lũy kế 88 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 121 tỷ đồng.
Định hướng phát triển trong giai đoạn tới là tăng cường xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và một số nước ASEAN, gia công cho các đối tác trong nước và quốc tế. Đơn vị sẽ phát triển hệ thống bán hàng, đầu tư ngân sách marketing để phát triển và tái từng các sản phẩm mang thương hiệu IZZI, Yotuti, Dinomilk, Yoha. Mục tiêu của Sữa Hà Nội là trở thành 1 trong 3 công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa; công ty số 1 về các sản phẩm sữa danh cho trẻ em.
Quy mô doanh thu của Hanoimilk dưới 200 tỷ mỗi năm trong khi Mộc Châu Milk và Sữa Quốc Tế 3.000-4.000 tỷ đồng, còn so với quy mô của TH True Milk hay Vinamilk (HoSE: VNM) là gần 60.000 tỷ đồng thì cách rất xa.
Để thực hiện kế hoạch đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Sữa Hà Nội đã thông qua phương án chào bán 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Phương án tăng vốn được thực hiện theo từng đợt và ưu tiên nhà đầu tư chiến lược phụ hợp tiêu chí.
Ngoài ra, Hanoimilk còn lên phương án phát hành 200 tỷ trồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 2 năm, giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện trong 2020 và 2021.
Nguồn tiền huy động được dùng để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy chế biến sữa UHT, tăng công suất nhà máy chế biến sữa chua, thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại huyện Mê Linh, Hà Nội và xử lý nợ.
Hanoimilk được thành lập 2001, từng là thương hiệu lớn trên thị trường, tuy nhiên sau sự cố melamine năm 2008 cùng nhưng khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả thì hoạt động kinh doanh đi xuống. Đồng thời, với sự lớn mạnh của các thương hiệu sữa khác như TH True Milk, Mộc Châu Milk (UPCoM: MCM), Sữa Quốc Tế (UPCoM: IDP) thì Hanoimilk ngày càng lu mờ.