Hào hứng với môn học trải nghiệm

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 được học môn học mới, trong chương trình chính khóa với bộ sách giáo khoa riêng là môn Hoạt động trải nghiệm nhằm trang bị các kỹ năng mềm. Ghi nhận những tuần đầu tiếp cận cho thấy, các em thích thú với nội dung môn học này.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ học trải nghiệm.  
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ học trải nghiệm.  

Học qua trò chơi

Thầy Trịnh Văn Kỳ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Học mà chơi, chơi cũng chính là học, đó là mục tiêu của môn học Hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong những tuần đầu triển khai dạy sách giáo khoa mới, hầu hết các giáo viên nhà trường đều bắt nhịp nhanh với chương trình. Đặc biệt, học sinh rất thích thú với môn học trải nghiệm. Đây không hoàn toàn là môn học mới, mà là sự phát triển của các hoạt động giáo dục, ngoại khóa được các trường triển khai từ nhiều năm trước.

“Học sinh tiểu học còn thiếu nhiều kỹ năng mềm. Việc bổ sung kỹ năng này không nằm ngoài nhiệm vụ của giáo dục và hiện đã khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực này. Chính bởi vậy, nhà trường và giáo viên đều quan tâm và coi trọng bộ môn này”- thầy Kỳ chia sẻ.

Trong những ngày đầu năm học mới, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) được trải nghiệm những chủ đề hết sức gần gũi với các em như cùng nhau trò chuyện, đứng trước lớp giới thiệu bản thân…

Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Liên cho hay: Qua nội dung giáo dục, giao việc, các con hoạt động nhiều hơn nữa, giao lưu với nhau, nói lên tâm tư suy nghĩ của mình. Được đưa vào chương trình chính khóa với 3 thời lượng buổi/tuần, sách được thiết kế theo 3 nội dung gồm hoạt động hướng vào bản thân, xã hội và tự nhiên. Nhiều tranh ảnh sinh động, giúp cho học sinh ghi nhớ các tình huống cụ thể trong cuộc sống. “Nội dung giáo dục, hoạt động không nằm ngoài nhiệm vụ của đổi mới giáo dục, đặc biệt là xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh vui vẻ phát triển toàn diện phẩm chất bản thân”, cô Hương chia sẻ.

Trước khi năm học bắt đầu, cô Đào Thu Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có buổi sinh hoạt chuyên môn, lên lớp dạy thử môn Hoạt động trải nghiệm qua bài “Nét độc đáo, khác biệt của mỗi người”. Theo cô Thủy, bài học này giúp các con thấy được giá trị, nét độc đáo của bản thân, đồng thời nhận biết và tôn trọng sự khác biệt của thành viên trong lớp, gia đình… Đây là bài học cần thiết để các con luôn tự tin vào bản thân cũng như có cách nhìn khách quan, tôn trọng khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mở rộng bên ngoài nhà trường.

Một tiết học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Một tiết học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhấn mạnh: Chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới có nhiều thay đổi về mục tiêu, phương pháp, hình thức, kỹ thuật tổ chức dạy học.

Đáng chú ý, chương trình, sách giáo khoa có tính mở, giáo viên có thể chủ động sắp xếp nội dung dạy học theo chủ đề, chủ điểm, mạch kiến thức mà không nhất thiết phải theo trình tự, phân phối chương trình. Ngoài các môn quen thuộc, chương trình lớp 1 mới có thêm môn Hoạt động trải nghiệm. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp, kỹ năng truyền thụ, tổ chức tốt.

Thay vì xây dựng thời khóa biểu chính khóa toàn các môn học văn hóa bắt buộc như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội, sẽ có sự đan xen của các tiết học tự chọn cho học sinh, nhờ đó, thúc đẩy dạy học sáng tạo, hiệu quả, trên tinh thần lấy học sinh làm trung tâm.

“Việc xây dựng các tiết học, giáo viên luôn bám sát mục tiêu giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, giúp các em biết ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của cuộc sống” - cô Liên chia sẻ.

PGS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định: Cuốn sách Hoạt động trải nghiệm giúp ích rất nhiều cho việc hình thành ba năng lực cơ bản của học sinh: Thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.

Trước đây, hoạt động giáo dục trong nhà trường không được xếp tiết theo tuần mà theo tháng. Mỗi tháng học sinh chỉ học chủ đề một lần, “không khác gì cưỡi ngựa xem hoa và không thể giúp trẻ hình thành các kỹ năng”. Chưa kể, nhiều trường tháng này tổ chức, tháng sau bỏ qua.

Thực tế cũng cho thấy, nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp không bao phủ tới 100% học sinh trong trường mà chỉ giúp cho một nhóm nào đó biết nắm bắt cơ hội. Những em nhút nhát có thể tham gia cho có hoặc không cũng không sao vì hoạt động này không phải bắt buộc.

Bởi vậy, hoạt động trải nghiệm đã được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông mới như một môn học bắt buộc, từ đó hình thành thói quen, kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Các cuốn sách Hoạt động trải nghiệm lớp 1 xây dựng hoạt động cho học sinh rèn luyện thường xuyên trên lớp, ở nhà. Giáo viên dễ dàng hơn trong việc tổ chức hoạt động theo đúng chu trình trải nghiệm để đạt được mục tiêu giáo dục.

Vân Anh

Theo Giáo dục & Thời đại