Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) thông báo đã bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn tại ngày 3/6/2023. Lãi suất cố định 10,5%/năm được trả định kỳ 6 tháng/lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không phải nợ thứ cấp. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3.
Công ty dự kiến dùng tiền huy động để phục vụ hoạt động kinh doanh và/hoặc đầu tư dự án của các công ty con và/hoặc công ty liên kết; cơ cấu lại nguồn vốn bao gồm nhưng không giới hạn các khoản nợ vay đến hạn trong năm nay.
Theo kết quả chào bán, 31 nhà đầu tư trong nước gồm các cá nhân, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, cùng tổ chức khác mua vào 900 tỷ đồng trái phiếu. 100 tỷ đồng trái phiếu còn lại được một quỹ nước ngoài đầu tư.
Tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã phát hành hơn 3.400 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 10,5-10,8%/năm và đáo hạn tại năm 2023. Ngoài lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng chào bán vào tháng 6 vừa qua không có tài sản đảm bảo, các lô trái phiếu khác được bảo đàm bằng cổ phiếu KBC hoặc cổ phiếu công ty con. Mục đích phát hành nhằm thực hiện các dự án, cơ cấu nguồn vốn, tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty con như Công ty khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện vay vốn công ty con là Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên với hạn mức vay 1.080 tỷ đồng, giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay cụ thể. Thời hạn khoản vay tối đa là 2 năm.
Tính tới 30/6, Kinh Bắc có vay nợ tài chính hơn 7.491 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,59 lần. Trong đó, vay trái phiếu chiếm 48%, tương đương 3.565 tỷ đồng.
Kinh Bắc vay ngắn hạn 1.881 tỷ đồng, tăng 334 tỷ đồng so với hồi đầu năm; vay dài hạn của công ty tăng mạnh thêm 1.392 tỷ đồng lên 5.610 tỷ đồng. Giải thích cho việc hệ số vay nợ tăng cao là do công ty đã liên tục phát hành trái phiếu huy động vốn để thực hiện dự án. Vào tháng 3, tháng 4 và tháng 6, Kinh Bắc đã huy động thành công được hơn 2.411 tỷ đồng với lãi suất 10,5 - 10,8%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), doanh nghiệp có dư nợ 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, giải ngân từ tháng 12/2020. Kinh Bắc thế chấp cho khoản vay này bằng toàn bộ tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát.
Ngoài ra, Kinh Bắc còn các khoản vay tại VietinBank (201 tỷ); TPBank (266 tỷ); BIDV (54 tỷ) với lãi suất từ 9,5-11,5% và được bảo đảm bằng tài sản KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh; KĐT Dịch vụ thương mại và Nhà ở công nhân Tràng Duệ; KĐT Phúc Ninh.
Cảnh báo “trái phiếu doanh nghiệp
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Bộ Tài chính đã 3 lần đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.