Hơn 5.000 năm lịch sử, ngành chè đã đóng góp những giá trị thiết thực đến sức khỏe, văn hóa, kinh tế và xã hội trên thế giới. Chè hiện được trồng ở hơn 35 quốc gia, hỗ trợ hàng chục triệu người có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Từ những người nông dân cần mẫn trồng và thu hái lá trà, đến những nghệ nhân chế biến trà với lòng đam mê và tay nghề tinh xảo, tất cả đều góp phần tạo nên những chén trà tuyệt vời... Đối với nhiều nền văn hóa khác nhau, trà như một nét đẹp truyền thống lâu đời, là thức uống không thể thiếu trong mọi hoạt động thường nhật của con người. Ngày Chè thế giới 21/05 ra đời, là dịp để tôn vinh di sản văn hóa trà, với các thông điệp ý nghĩa mà Ngành Chè đã mang lại cho thế giới.
Tiệc trà đầm ấm nhân ngày kỷ niệm
Nằm trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Chè thế giới, chiều ngày 21/5 tại không gian thưởng trà “Trà Việt Tú” địa chỉ số 1, ngõ 30 Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội). Hiệp hội Chè Việt Nam cùng với thương hiệu Trà Việt Tú đã tổ chức buổi tiệc trà và đàm đạo về trà.
Đến dự tọa đàm có ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; Ông Hoàng Đình Như - Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng Thư kí Hiệp hội Chè Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Đồ uống, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Chè Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Ngà - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Chè Việt Nam,Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên; cùng những tín đồ yêu trà, những người sản xuất trà và các Hội viên của Hiệp hội Chè Việt Nam. Đến dự và đưa tin có các phóng viên của Tạp chí Kinh tế và Đồ uống.
Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: Trong suốt hơn 5.000 năm phát triển, ngành chè trên toàn thế giới đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và xã hội. Những giá trị lịch sử lâu đời và nền văn hóa sâu sắc của trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Ngày Chè thế giới đã xuất hiện như một bước tiến đột phá, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao giá trị của cây chè.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng chè cả nước là 123.000ha, sản lượng trên 1 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam đứng thứ 6 về sản xuất chè, đứng thứ 5 về xuất khẩu chè. Sản phẩm chè của Việt Nam, chủ yếu là chè xanh, chè đen, trà ô long… được xuất khẩu tới các thị trường chính là Trung Đông, Trung Quốc, Parkistan, Nga và nhiều nước khác.
Ở Việt Nam với vị trí tuyệt vời là một trong những quốc gia trồng và xuất khẩu chè lớn trên thế giới, đã có đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp chè quốc tế. Trước khi Ngày Chè thế giới do Liên Hợp Quốc đề xuất được tổ chức, Việt Nam cùng với các nước sản xuất chè như Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Indonesia, Bangladesh, Kenya, Malawi, Malaysia, Uganda và Tanzania đã tổ chức Ngày Quốc tế Trà vào ngày 15/12 hàng năm. Song, nhận thức được lịch sử lâu đời và ý nghĩa văn hóa và kinh tế của chè trên toàn thế giới, cũng như vai trò quan trọng của chè đối với việc phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, cuối năm 2019, Đại hội đồng LHQ đã tuyên bố ngày 21/5/2020 là Ngày Chè thế giới lần đầu tiên và kêu gọi FAO đi đầu trong việc tuân thủ.
Ngày 21/05 hàng năm đã trở thành một dịp để thế giới nhìn về ngành chè, tôn vinh di sản văn hóa của trà, nhận thức về lợi ích sức khỏe và vai trò kinh tế quan trọng của cây chè và sản phẩm trà. Đồng thời, ngày này cũng là một cơ hội để thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững, đảm bảo lợi ích của trà đối với con người, văn hóa và môi trường qua nhiều thế hệ. Ngày Chè thế giới là cơ hội để tôn vinh di sản văn hóa, lợi ích sức khỏe và tầm quan trọng kinh tế của trà, đồng thời nỗ lực để sản xuất chè bền vững “từ cánh đồng đến cốc trà”, đảm bảo lợi ích về kinh tế, văn hóa và môi trường cho con người được tiếp tục qua nhiều thế hệ.
Đặc biệt, hiểu về câu chuyện về trà và vì sao thế giới lại chọn ngày 21/5 là ngày chè thế giới, lịch sử của trà đến với loài người rất lâu và sự đóng góp của trà đối với kinh tế, đối với văn hóa, môi trường và đối với tâm linh cuộc sống của con người rất lớn và đến nay tất cả các vai trò đó vẫn hiện hữu đóng góp rất tốt với đời sống của nhân loại. Hiện nay, trong thế giới hiện đại có rất nhiều thứ đồ uống và rất nhiều thứ mà con người muốn hướng tới sức khỏe thì trà là một trong những sự lựa chọn tốt nhất của loài người, bởi vì trà hiện nay là thức uống đứng vị trí thứ 2 sau nước lọc và vượt trên tất cả các thứ đồ uống khác có gas, có cồn các đồ uống kích thích khác cộng lại thì vẫn chưa bằng trà.
Ý nghĩa của Ngày Chè thế giới nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử lâu đời và tầm quan trọng kinh tế - văn hóa của ngành chè trên toàn cầu. Với hơn 5000 năm lịch sử, ngành chè đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa, mang trong mình những giá trị văn hoá sâu sắc mà ít ngành nghề nào có được. Mỗi năm, các sự kiện Ngày Chè thế giới được tổ chức trên khắp thế giới để nêu bật tầm quan trọng của chè và tác động của chè đối với cuộc sống của mọi người. Không những vậy, Ngày Chè thế giới là một cơ hội để những người yêu trà, cả người trẻ và mọi người trên thế giới đến với nhau và chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của họ về trà, cùng hiểu và tôn vinh di sản văn hoá lâu đời này.
Đồng thời, ngày này cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững trong ngành chè. Ngành chè đóng góp đáng kể vào việc cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên toàn cầu, từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh trà. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trong cuộc chiến chống nghèo và xóa đói, đến nay cây chè được xác định là cây làm giàu. Thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của cây chè trong cuộc sống, đặc biệt là trong việc phát triển nông thôn mới và tạo sinh kế bền vững, ngành chè cũng đóng góp vào Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Sau phần chia sẻ tại buổi tọa đàm của ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, các đại biểu tham dự tọa đàm đã thảo luận về những điểm còn băn khoăn, vướng mắc trong ngành chè của các đơn vị doanh nghiệp trồng chè và sản xuất chế biến chè, thị trường tiêu thụ chè.... không khí thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sáng tạo cho sự phát triển chung của ngành chè Việt Nam.
Trà đàm "Lan tỏa trà Việt đến với người Việt"
Cũng trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Chè thế giới 21/05/2024, tối ngày 21/5, Cộng đồng Yêu trà Việt phối hợp cùng Hiệp Hội Chè Việt Nam và Phiên chợ quê - Tinh hoa trà Việt, tổ chức sự kiện chào mừng Ngày Chè thế giới, cùng buổi tọa đàm “Lan tỏa Trà Việt đến Người Việt” tại phố sách Hà Nội 19/12. Đây là dịp để các nhà trà, những người yêu trà Việt thảo luận, đưa ra các giải pháp quảng bá thương hiệu, hình ảnh trà Việt đến với người Việt, để người Việt Nam tự hào về trà Việt Nam, để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và chinh phục hàng Việt. Đồng thời nỗ lực thúc đẩy sản xuất chè bền vững, trà gắn với phát triển du lịch sinh thái, trà gắn với quảng bá thương hiệu, trà gắn với kinh tế địa phương... Qua đó nâng cao giá trị trà Việt hơn nữa, nhằm định vị thương hiệu trà Việt trên bản đồ trà Việt Nam và thế giới.
Đến dự với buổi tọa đàm tại phố sách Hà Nội, có sự hiện diện của ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam); Ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; Nhà Sử học Dương Trung Quốc; Giáo sư sử học Lê Văn Lan; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Đồ uống; Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên; Ông Trương Hán Văn - Nguyên Tổng Thư ký hội Văn hóa dân gian truyền thống Trung Quốc; Ông Kiều Phúc Quý - Chủ nhiệm ban quản trị Cộng đồng Yêu Trà Việt; Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Chủ dự án Phiên Chợ Quê, Tinh Hoa Trà Việt. Ngoài ra còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà trà, nghệ nhân, trà nhân, trà nương và những người yêu trà.
Mở đầu buổi Trà đàm, ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đã có những chia sẻ về ý nghĩa Ngày Chè thế giới và định hướng hoạt động của Hiệp hội Chè Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành chè phát triển bền vững.
Ông chia sẻ: "Trà là thức uống lâu đời, tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau nước. Triển vọng ngành chè ngày càng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cùng nhiều lợi ích và các giá trị thực tế mà ngành trà mang lại. Ngày Chè thế giới 21/5 là cơ hội để tôn vinh di sản văn hoá Trà, những lợi ích sức khỏe và tầm quan trọng kinh tế của cây chè, sản phẩm trà, đồng thời nỗ lực cho phát triển sản xuất chè bền vững, đảm bảo lợi ích của Trà với con người, văn hoá, môi trường qua nhiều thế hệ."
Tại buổi Trà đàm này, ông Kiều Phúc Quý, đại diện Ban quản trị Cộng đồng có những chia sẻ về hành trình Yêu Trà Việt đã đang và sẽ tiếp tục lan tỏa sứ mệnh là nơi quy tụ, kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa trà Việt, là kênh thông tin uy tín về Trà tại Việt Nam, cầu nối người yêu trà trên thế giới. Yêu Trà Việt đã từng bước xây dựng hệ sinh thái đa kênh từ Website, Facebook đến Youtube nhằm giúp các trà hữu có thể dễ dàng tiếp cận được kiến thức, thông tin về trà một cách tốt nhất.
Chia sẻ tại trà đàm, Giáo sư sử học Lê Văn Lan và Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những chia sẻ chân tình về đóng góp chung của ngành chè trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân loại. Hai nhà sử học đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về tiến trình phát triển của ngành chè trong tương lại, tìm hướng đi mới để đa dạng sản phẩm chè, đưa trà Việt đến gần người tiêu dùng trong nước, để trà Việt thành đặc sản được mọi nhà "săn đón" và để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam.
Buổi Trà đàm được diễn ra tại phố sách Hà Nội 19/12, không gian sách thơ mộng và yên bình. Phố sách Hà Nôi 19/12 là không gian ngập tràn tri thức và thanh bình rất thích hợp để tổ chức những buổi trà đàm và tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ dự án Phiên Chợ Quê, Tinh Hoa Trà Việt chia sẻ: Thưởng trà và đọc sách trở thành một nét văn hóa độc đáo, tao nhã của người Việt. Uống trà kết hợp với đọc sách để thêm phần nho nhã, thanh tao, dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới. Thưởng trà để tăng phần tỉnh táo, hưng phấn cho người đọc, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê tìm kiếm tri thức của nhân loại. Với mong muốn trà gắn liền với sách và ngược lại, ban tổ chức lựa chọn phố sách Hà Nội 19/12 là địa điểm để các nhà trà, quý trà hữu giao lưu gặp mặt nhân dịp Ngày Chè thế giới.
Tiếp nối chương trình là những chia sẻ từ phía các đơn vị sản xuất, những người yêu trà về những câu chuyện nhằm nâng cao giá trị thương hiệu trà Việt. Các cách thức và giải pháp để trà Việt gần gũi hơn với người Việt.
Một số hình ảnh đẹp khác tại sự kiện: