Hòa Bình: Nông dân huyện Tân Lạc chuẩn bị vụ bưởi Tết Nguyên đán 2024

Là sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi có vị ngọt của mía, phần cùi có màu hồng đỏ, tép mọng, dễ bóc, Bưởi đỏ đã và đang trở thành cây thế mạnh và là lợi thế của tỉnh Hòa Bình. Những ngày này, nông dân trồng bưởi ở huyện Tân Lạc tất bật chuẩn bị thu hoạch, đưa ra thị trường những quả bưởi đẹp mã, chất lượng, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Tân Lạc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu bưởi đỏ.
Tân Lạc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu bưởi đỏ.

Bưởi đỏ được coi là cây trồng bản địa quý của huyện Tân Lạc, đã xuất hiện từ rất lâu đời. Nhờ đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu và cả kỹ thuật canh tác bưởi đỏ của người dân tạo thành những lợi thế đặc trưng mà ở những vùng trồng bưởi khác trong và ngoài tỉnh Hòa Bình đều không thể có được.

Trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện duy trì 1.108ha bưởi, trong đó có 885ha bưởi đỏ, 67ha bưởi da xanh, 134ha bưởi Diễn. Toàn huyện có 11 hợp tác xã (HTX) và 5 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bưởi; có 240ha bưởi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 1 cơ sở sơ chế, đóng gói của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao (bưởi đỏ Sơn Hoa, bưởi đỏ Giang Lộc, bưởi hữu cơ Tân Đông). Huyện có 6 cơ sở được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường EU, tổng diện tích 153ha; 2 cơ sở được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường New Zealand, diện tích 46,8ha. Sản lượng bưởi hàng năm đạt trên 17.000 tấn; giá trị trung bình đạt khoảng 190 triệu đồng/ha.

Hiện nay, một số diện tích trồng bưởi tại các xã: Thanh Hối, Đông Lai, Tử Nê có giá trị thu nhập cao, đạt khoảng 380 - 415 triệu đồng/ha. Tết năm nay bà con xã Thanh Hối nói riêng, nhân dân huyện Tân Lạc nói chung phấn khởi vì đã có 13.400 quả bưởi được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc (năm 2022 là 5.400 quả; năm 2023 là 8.000 quả), đạt khoảng 13,5 tấn, mang lại nguồn thu nhập cao và đầu ra cho sản phẩm.

Người dân huyện Tân Lạc chuẩn bị cho vụ bưởi Tết Giáp Thìn 2024.
Người dân huyện Tân Lạc chuẩn bị cho vụ bưởi Tết Giáp Thìn 2024.

Thời gian qua, HTX dịch vụ tổng hợp và phát triển nông thôn Bình Minh, xã Thanh Hối đã giúp các thành viên và nhiều nông hộ ở địa phương thoát nghèo, tạo nguồn thu nhập ổn định từ canh tác bưởi đỏ Tân Lạc. Chị Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc HTX cho biết: "Giá bưởi dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không tăng nhiều. Vì đến thời điểm này, thị trường thu mua bưởi trang trí ngày Tết đã sôi động, nhiều tiểu thương tìm đến các vườn khảo sát sản lượng và đặt vấn đề thu mua bưởi Tết, nhưng giá vẫn giữ mức như ngày thường, hoặc nhích lên 1 - 2 giá nếu chọn hái vào cận Tết. Mặc dù giá không tăng cao nhưng người trồng bưởi Thanh Hối vẫn rất vui, vì hầu hết các vườn đã có người đặt hàng bao tiêu sản phẩm”.

Bưởi đỏ đặc sản của Tân Lạc.
Bưởi đỏ đặc sản của Tân Lạc.

Ông Bùi Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hối cho biết: "Nhiều năm trước, cây bưởi đỏ và bưởi da xanh đã được một số hộ trong xã trồng ở quy mô nhỏ. Với thổ nhưỡng phù hợp, cây phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích trồng bưởi trên địa bàn ngày càng được mở rộng. Để đảm bảo cho vụ bưởi Tết năm nay đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, nông dân chú trọng thực hiện quy trình chăm sóc, bảo quản quả bưởi”.

Một vụ bưởi Tết bắt đầu với nhiều hy vọng, bưởi được trồng trên đất Thanh Hối có vị thơm ngon, nhưng hiện nay, cây trồng này đang phát triển nở rộ ở nhiều địa phương trong huyện. Thời gian tới, huyện Tân Lạc có chủ trương không mở rộng thêm diện tích mà duy trì diện tích bưởi hiện có để đầu tư, thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiến tới thay thế diện tích bưởi thoái hóa, chất lượng kém. Ngoài ra, định hướng hộ trồng bưởi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo ổn định, tránh tình trạng mất mùa được giá, để những mùa Xuân trên vùng chuyên canh bưởi của huyện càng thêm no ấm, đủ đầy.

PHI LONG/VPTB