Hòa Bình: Phấn đấu thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với lợi thế về địa hình thổ nhưỡng cho cây ăn quả phát triển, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hòa Bình còn được biết đến với hình ảnh trên con đường trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dẫn đầu cả nước với sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi.

Phát triển cây chủ lực có múi theo hướng hàng hóa có giá trị cao là mục tiêu HòaBình chuyển dịch mạnh mẽ trong thời gian tới
Phát triển cây chủ lực có múi theo hướng hàng hóa có giá trị cao là mục tiêu HòaBình chuyển dịch mạnh mẽ trong thời gian tới

Theo ông Ngô Văn Tuấn - Bí thư tỉnh Hòa Bình, lợi thế của Hòa Bình chính là phát triển nông nghiệp và tái cơ cấu cây trồng. Đây cũng là một trong những thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua của tỉnh Hòa Bình, với tốc độ tăng trưởng 4%, cao gấp đôi bình quân cả nước, bên cạnh đó du lịch cũng khởi sắc, tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều khu du lịch như: Kim Bôi, Mai Châu, lòng hồ Sông Đà...

Về phát triển ngành, Hòa Bình tập trung phát triển về nông nghiệp, tiếp tục phát huy thành quả của nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua, tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, hướng vào sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường theo phương châm xanh - sạch - an toàn - hiệu quả. Đây cũng là thế mạnh của Hòa Bình.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; chú trọng phát triển đa dạng các hình thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường lớn trong nước và xuất khẩu… hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.

Nói đến Hòa Bình, là người ta nghĩ ngay đến những sản vật nổi tiếng như: Cam Cao Phong, Bưởi Tân Lạc, Khoai Phúc Xạ... và rất nhiều sản phẩm khác đang cung cấp về cho thị trường Thủ đô. Trong thời gian tới, tỉnh hướng tới bám chắc thị trường Thủ đô, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường này.

Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi…) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương. Việc thành lập các HTX trồng cây ăn quả có múi đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ nông dân ở các vùng nông thôn, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Ðể thúc đẩy sản xuất cây ăn quả có múi, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả có múi quy mô lớn, tập trung như: Cam Hàm Yên (Tuyên Quang), Cao Phong (Hòa Bình), Vinh (Nghệ An), Lục Ngạn (Bắc Giang); bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ); quýt (Bắc Kạn)…

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, đến nay, diện tích cây ăn quả của Việt Nam có khoảng 1,1 triệu hecta, với sản lượng khoảng 13-15 triệu tấn; có 15 loại cây ăn quả chính, trong đó có cây có múi.

Ông Từ Quang Hà - Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong chia sẻ, HTX được thành lập với mục đích hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thêm lợi ích, giúp giảm nghèo cho các hộ thành viên.

Ðến nay, các thành viên trong HTX đang sản xuất gần 300 ha cây ăn quả có múi. Ðể bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX cũng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều gia đình khác ở trong và ngoài địa phương. Năm 2021, HTX đã tiêu thụ được hơn 10.000 tấn cam, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, hiện tỉnh đã xây dựng được trên 10 nghìn ha diện tích đất trồng cây ăn quả có múi, tập trung ở các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn… và đã xuất hiện một số HTX phát triển theo hướng nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP như: 3Tfarm với cam Cao Phong, Gfarm với cam trứng…

“Hòa Bình đang có phương án khuyến khích, hỗ trợ nhiều người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm sạch, an toàn - tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định nâng cao thu nhập để người dân yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Huy Nhuận cho hay.

Bên cạnh đó Hòa Bình cũng đặt mục tiêu thu hút nhà đầu tư, đầu tư mạng vào chế biến sâu các sản phẩm của nông nghiệp và nông nghiệp cao. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có chiều sâu, thực chất hơn Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống. Có thể kể đến mô hình chuyên sản xuất cà chua của Công ty TNHH Skyfarm tại huyện Lương Sơn; trồng dưa lưới của Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xanh Hiếu Thịnh ở huyện Lạc Sơn...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Nhuận cho biết thêm, hiện nay, ngành đang tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Hết năm 2021, tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng cho hơn 200ha chuối, thanh long, nhãn, bưởi Diễn và 7 mã số cơ sở đóng gói. Vừa qua, Hòa Bình đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu (Hà Lan, Séc, Đức...). Các sản phẩm nông nghiệp như: chuối, chè, măng, mía... được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hữu cơ.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm vùng sản xuất Bưởi tại xã Đại Đồng huyệnYên Thủy (Ảnh TTXVN)
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm vùng sản xuất Bưởi tại xã Đại Đồng huyệnYên Thủy (Ảnh TTXVN)

“Theo Đề án Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Đồng thời, phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Nhuận chia sẻ.

Thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đã có sự chuyển động tích cực và ngày càng khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Nhiều nông sản chủ lực đã vươn xa, được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến. Song, thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn...

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh đang tập trung, phát triển cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cải thiện, nâng cao số lượng, chất lượng nhóm nông sản chủ lực từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực; chú trọng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại thị trường lớn trong nước và xuất khẩu…

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh, để chủ động chỉ đạo sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh đã yêu cầu, các đơn vị liên quan thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; thông tin về chất lượng sản phẩm, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển và hướng tới xuất khẩu chính ngạch…

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao, Hòa Bình kỳ vọng sẽ xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nhóm PVTB