Lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2024 chính thức khai hội. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bạch Công Điệu, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh và đông đảo người dân, du khách.
Mở đầu chương trình khai mạc lễ hội là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Chùa Tiên! Nơi hội tụ” gồm 2 phần: Phần I -Huyền tích cổ xưa với tổ khúc Múa mạch nguồn,hát múa "Huyền thoại đất Mường”, Hồn ngữ đất Mường và Hòa tấu trống "Sắc Mường”. Phần II - Hội xuân đón bạn, gồm các tác phẩm hát múa: "Quê hương mừng Đảng mừng Xuân”, tái hiện Lễ Tam phủ, tốp ca "Lạc Thuỷ thênh thang ngày mới” và màn hát múa "Hòa Bình tay trong tay”.
Lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống, có vai trò quan trọng trong đời sống của Nhân dân, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn. Lễ hội có nguồn gốc từ xa xưa, được phục dựng và duy trì tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và tỉnh Hòa Bình. Thời gian diễn ra Lễ hội trong 3 tháng, từ ngày 4/1 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch. Các hoạt động Lễ hội chùa Tiên được tổ chức tại Di tích Quốc gia Quần thể hang động khu vực chùa Tiên với 21 điểm di tích thuộc nhiều loại hình như: di tích lịch sử văn hóa, di tích danh thắng và di tích khảo cổ học. Mỗi loại hình đều mang giá trị lịch sử và bản sắc riêng.
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh: Năm 2024, Lễ hội Chùa Tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh với rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian phong phú. Thông qua các hoạt động của lễ hội, chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc về sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của Nhân dân.
Lễ hội chùa Tiên được tổ chức thường niên sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Đồng thời, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội chùa Tiên đem đến cho chúng ta những dấu ấn đặc biệt, tạo dựng một tâm thế tốt trong dịp đầu xuân mới, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy lần thứ XXIV…
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Ủy viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình khẳng định: Chùa Tiên là ngôi chùa lớn của tỉnh. Dân tộc Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới tổ chức Tết cổ truyền. Nhưng dân tộc Việt Nam chọn Tết, mùa Xuân là dịp mở lễ hội để tôn vinh văn hóa, truyền thống, cội nguồn, tổ tiên, dân tộc. Người dân về với lễ hội để tạo sức mạnh đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương, đất nước... Con người đi dự lễ hội luôn tôn trọng 3 chữ: đức - trí - dũng. Thượng Tọa cầu chúc cho lễ hội thành công, các đại biểu, Nhân dân gia đạo hưng long, may mắn, thành công như ý...
Theo chương trình, lễ khai hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 - 14/2/2024 (tức 3, 4, 5 tháng Giêng). Trong khuôn khổ lễ hội, các đại biểu và du khách được chiêm bái, tham gia nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc như: múa lân, rồng; thực thành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ tại các điểm di tích đền Trình, đền Mẫu, chùa Tiên; trình diễn nhạc cụ dân tộc; trình diễn nghệ thuật chiêng Mường, múa hát dân ca, chầu văn… Ban Tổ chức Lễ hội tổ chức giao lưu bóng chuyền nam với sự tham gia của 5 đội từ các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc. Tổ chức giải kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ. Tổ chức các trò chơi dân gian: đi cà kheo, nhảy dây, múa sạp… Du khách có thể tham quan tại các điểm di tích, các gian hàng hội chợ xuân tại khu chợ chùa Tiên với 46 gian hàng của các huyện: Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc; các xã, thị trấn của huyện Lạc Thủy và Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Viễn thông Lạc Thủy, các tiểu thương… Các gian trưng bày nhiều sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, ẩm thực…
PHI LONG/VPTB