Hòa Bình: Triển khai kế hoạch 54 của UBND tỉnh về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, nhà dân có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Trong đó, có khoảng trên 2.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trên thực tế, nhiều vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn tỉnh do những sự cố của hệ thống điện hay sự bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào và trong thời điểm nào.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa mới ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND để triển khai Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trước ngày ngày 26/01 khi Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 của Quốc Hội có hiệu lực.

Cảnh sát PCCC Công an Tỉnh Hòa Bình đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động PCCC
Cảnh sát PCCC Công an Tỉnh Hòa Bình đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động PCCC

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, nhà dân có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Trong đó, có khoảng trên 2.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trên thực tế, nhiều vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn tỉnh do những sự cố của hệ thống điện hay sự bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào và trong thời điểm nào.

Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 54 được triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1, triển khai tuyên truyền thường xuyên để các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiểu nội dung quy định tại Điều 63a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND. Tổng kiểm tra, khảo sát, phân loại, đánh giá các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC (thực hiện đến Quý I năm 2022). Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn về PCCC theo quy định tại Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về PCCC và kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng cơ sở (thực hiện trong năm 2022).

Giai đoạn 2, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn về PCCC, tổ chức kiểm tra, giám sát, vận động, tuyên truyền các cơ sở thực hiện đúng tiến độ. Xử lý đối với các cơ sở không khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC và cơ sở không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Kế hoạch số 15 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình quy định rõ, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan, đặc biệt là các đơn vị có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh được nêu trong Nghị quyết số 54 HĐND tỉnh cần xác định rõ vai trò quan trọng của công tác PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và thời hạn quy định đã nêu tại Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND.

Kế hoạch số 15 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình được ban hành nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 54/2021/NQ- HĐND tỉnh Hòa Bình, và được kỳ vọng làm tốt công tác an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm không chỉ trong đội ngũ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương mà còn làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về an toàn PCCC để bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân./.