Theo đó, về phương án phối lợi nhuận, 6.800 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2023 dự kiến được trích 408 tỷ đồng vào các quỹ. Lợi nhuận sau trích lập còn lại 6.392 tỷ đồng.
HPG đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (cổ phiếu thưởng) với số lượng hơn 581,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu nhận được 1 cổ phiếu thưởng).
Nguồn vốn sử dụng để phát hành lấy từ vốn chủ sở hữu của HPG tại thời điểm ngày 31/12/2023 với thứ tự thực hiện đầu tiên là thặng dư vốn cổ phần (hơn 3.211 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hơn 2.603 tỷ đồng).
Thời gian phát hành dự kiến từ quý II/2024, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Ngoài ra, HPG cũng đề xuất tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến 10%.
Sang năm 2024, ngành thép được dự báo sẽ bước vào một chu kỳ phục hồi mới. Trong báo cáo mới đây, SSI Research kỳ vọng nhu cầu ngành thép sẽ phục hồi trong năm 2024 với mức tăng trưởng hơn 6% so với cùng kỳ, trong đó, mức tiêu thụ của thị trường trong nước có thể tăng 7%.
Về hoạt động kinh doanh, 2 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 1,15 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ.
Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 575.000 tấn, giảm 2% so với 2 tháng đầu năm 2023. Thép HRC đóng góp 542.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Với các sản phẩm hạ nguồn HRC, ống thép Hòa Phát ghi nhận 88.000 tấn sau 2 tháng, giảm 17%. Tôn mạ các loại đạt sản lượng 66.000 tấn, tăng 39%, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tôn 2 tháng qua tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng sản xuất và bán hàng thép của Hòa Phát tăng trong bối cảnh ngành thép được kỳ vọng bước vào một chu kỳ phục hồi mới.
Về vấn đề cổ tức, Tập đoàn Hoà Phát dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét và thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024 ở mức 10%.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá Tập đoàn Hoà Phát hoàn toàn có thể đạt mức doanh thu và lợi nhuận như đã đề ra, thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn với kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép trong nước hồi phục rõ rệt từ nửa cuối năm 2024.
Trong báo cáo gần đây, chuyên gia của SSI Research, mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, tương tự như năm 2013. Mặt khác, theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến tăng 1,9% trong năm 2024 so với mức 1,8% trong năm 2023.
Đối với thị trường xuất khẩu, xuất khẩu thép Trung Quốc dự kiến giảm trong năm 2024 so với mức nền cao trong năm 2023 (mức cao nhất kể từ năm 2016), từ đó hỗ trợ giá thép xuất khẩu của Việt Nam, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát.
Với những yếu tố hỗ trợ như vậy, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 của Hòa Phát có thể đạt 11.200 tỷ đồng, tương ứng tăng 64,5% so với năm 2023, nhờ sự phục hồi cả về sản lượng tiêu thụ và giá thép.
Về dài hạn, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2025 - 2027 nhờ việc dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, giúp sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) tăng hơn gấp đôi từ gần 3 triệu tấn trong năm 2023 lên 7,5 triệu tấn vào năm 2027.
Tiến Hoàng