Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Để mọi người làm theo Bác

Toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân đã và đang thực hiện quyết liệt tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy lùi cái xấu”; kiên quyết bài trừ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều năm qua, những hoạt động này được đề cao đến mức như cuộc “cách mạng”, cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Để mọi người làm theo Bác - Ảnh 1

Đó là mục tiêu thiết thực nhất của việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chúng ta đã trải qua hàng thập niên nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ dưới nhiều quy mô, hình thức, phương pháp tiếp cận đa dạng, phong phú, thiết thực.

Trong thời gian dài ấy, rất nhiều tấm gương tốt đẹp, hành động thiết thực của cá nhân, tổ chức được giới thiệu trên báo chí để mọi người làm noi theo. Một thực tế rất thuyết phục là Bác Hồ luôn biểu đạt suy nghĩ, quan điểm của mình bằng ngôn ngữ vô cùng giản dị, đại chúng dễ hiểu, dễ thuộc.

Ai đã nghe, đọc là thấm thía ngay. Chỉ có điều họ có thực hiện đúng lời Bác chỉ bảo không? Những lời căn dặn, chỉ bảo, sẻ chia của Bác với mọi người được đúc kết, chiêm nghiệm, ngẫm suy trong cuộc đời hoạt động cách mạng, phụng sự Tổ quốc, nhân dân chứa đựng tính thực tiễn cao, chân xác, vô cùng quý giá. Nó quyện hòa giữa thực tiễn và lý luận; học và hành, thất bại và thành công, phát triển và sáng tạo.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Để mọi người làm theo Bác - Ảnh 2

Bác để lại lời chỉ bảo, khuyên dạy, sẻ chia với hầu hết các đối tượng, tầng lớp xã hội: thanh thiếu niên nhi đồng, người cao tuổi, phụ nữ, quân đội, công an, thương bệnh binh, gia đình thương binh liệt sĩ, giáo viên, y bác sĩ, công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo…Vậy nên, chỉ cần soi chiếu, dựa vào “ barem” ấy, tự khắc sẽ thấy mình hay chưa, tốt chưa, đã thực sự thực hiện đúng lời Bác dạy chưa?

Toàn bộ hệ thống chính trị và mọi ngời dân đã và đang thực hiện quyết liệt tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy lùi cái xấu”; kiên quyết bài trừ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều năm qua, những hoạt động này được đề cao đến mức như cuộc “cách mạng”, cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”. Còn nhớ, với các cháu thiếu nhi, Bác ân cần dạy bảo: “ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình. Luôn tham gia kháng chiến, để gìn giữ hòa bình. Các cháu hãy xứng đáng, cháu bác Hồ Chí Minh”. Với cán bộ, đảng viên, người có chức quyền, Bác nhắc nhở: “ Việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh”. Cụ thể hơn, Bác dạy quân đội, công an bằng lời thề danh dự xứng với tên gọi quân đội nhân dân, công an nhân dân; đủ sức mạnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị vẻ vang của mình.

Cuộc sống hàng ngày luôn xuất hiện những tấm gương sáng, hành động, việc làm tốt, từ việc nhỏ đến việc lớn. Khâm phục và trân quý hơn khi việc làm ấy lại từ những người yếm thế trong xã hội, người khuyết tật, cuộc sống hiện khó khăn, trắc trở về bệnh tật. Mọi thế hệ đều xuất hiện những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để khẳng định mình, đóng góp cho cộng đồng xã hội, đất nước. Họ lập được nhiều thành tích mức độ khác nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đó là nguồn cảm hứng khơi dậy lý tưởng tận hiến cho mọi người.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Để mọi người làm theo Bác - Ảnh 3

Xã hội hiện nay, đi cùng với mặt tích cực, cũng bộc lộ những bất cập, khuyết điểm, tiêu cực ở nhiều dạng thức khác nhau, khá phức tạp. Truyền thông phản ánh mới chỉ một phần. Mặt trái ấy tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mọi người.

Một số vụ việc tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với hệ thống chính quyền, tổ chức đảng…Ai đó thường lập luận rằng, người tử tế, người tốt, tích cực bao giờ cũng là số đông, gần như áp đảo; người xấu, người có hành động tiêu cực, ảnh hưởng không tốt xã hội chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, là bộ phận rất nhỏ; rằng, trong hàng triệu đảng viên chỉ có một số rất ít người xa rời lý tưởng, không giữ được mình, thoái hóa biến chất…Phản biện như thế mới đúng một phần, chỉ là lô gic hình thức, hàm chứa tu duy bao biện giản đơn..

Có thể suy nghĩ ấy sẽ trở thành tư tuởng chủ quan lực cản tinh thần đấu tranh “phê và tự phê, tự soi, tự sửa”. Nếu không nghiêm túc “ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” thực trạng tình hình, phân tích tìm hiểu thấu đáo yếu kém; không thẳng thắn chỉ ra nguy cơ “nội sinh và ngoại nhập” theo phương pháp luận Hồ Chí Minh thì không thể làm trong sạch, lành mạnh hệ thống chính trị, tổ chức đảng và xây dựng được xã hội văn minh, giàu mạnh.

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đang có bước phát triển vượt bậc, thế giới đang vận động, biến đổi mau lẹ cùng với niềm vui, niềm hy vọng là không ít nỗi lo, nỗi buồn bởi diễn biến phức tạp, khó lường. Cái xấu, cái ác, hành vi ngang tai, chướng mắt, phi đạo đức khá phổ biến; mâu thuẫn, xung đột vũ trang, chiến tranh, hành động hủy diệt môi trường sống ngày càng gia tăng…Thực tế ấy đang tác động sâu sắc đến đời sống nhân loại. Không phải ngẫu nhiên, một khuynh hướng mới xuất hiện, không ít người (trong đó có nhiều bạn trẻ) đang tìm đến với phật giáo, bộ môn thiền định, tu luyện nhằm giải tỏa áp lực cuộc sống, những căn bệnh mang tính xã hội, như stress, trầm cảm, mặc cảm, tự ty, chán chường, lo sợ…Họ cầu mong tìm thấy cuộc sống bình yên, tĩnh lặng, giản dị, xóa bỏ ham muốn làm giàu, quyền chức; tránh nơi ồn ào, xô bồ, náo nhiệt…”Lành cho sạch, rách cho thơm. Sống đơn giản cho đời thanh thản” là những đúc kết, ngôn truyền xem như triết lý sống được đúc kết từ cuộc sống đời thường.

Nghĩ về Bác, biết ơn và thể hiện tình cảm tốt đẹp nhất, chân thành nhất của mình với Bác chính là mỗi người hãy sống tử tế, làm nhiều việc tốt. Muốn vậy, phải tu dưỡng rèn luyện theo những gì Bác dạy bảo, chỉ dẫn, sẻ chia. Cho dù lịch sử có đổi thay, thế giới chuyển biến mau lẹ, khó lường nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi là di sản vô giá của đất nước,của dân tộcViệt Nam. Gìn giữ, vận dụng sáng tạo tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mỗi người, từng tổ chức, lĩnh vực, ngành hoạt động cũng được xem là “bí quyết” để chúng ta thành công. Mỗi người tự răn mình, nếu đã học những điều hay lẽ phải ở Bác Hồ thì phải quyết tâm làm theo. Nói luôn dễ hơn làm. Học mà không hành thì việc học trở nên vô nghĩa. Nói mà không làm là lời nói suông. Nguy hiểm nữa là nói một đằng, làm một nẻo, lấy việc học làm hình thức để che đậy nội dung bản chất không tốt của cá nhân, tổ chức. Tùy theo lứa tuổi, công việc, vị trí xã hội, sức khỏe nếu ai cũng gắng làm theo Bác thì nhất định xã hội ta sẽ tốt đẹp, dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh, có thể sánh vai với cường quốc năm Châu, toại nguyện ước mong của Người.

Văn Hùng