Chủ tịch Hội TS. Hà Công Tuấn và Chánh văn phòng Ngô Trường Sơn chủ trì buổi làm việc cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Hội, đại diện các phòng/ban chuyên môn của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (VPĐP NTM TƯ).
Hội được thành lập trên cơ sở quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cá nhân gắn bó nhiều năm với ngành Nông nghiệp nói chung, phát triển kinh tế Nông nghiệp nói riêng. Đặc biệt, bộ máy Ban thường vụ có mặt tại buổi làm việc có quan hệ mật thiết, từng/đang trực tiếp làm việc trong các hoạt động của chương trình Nông thôn mới, OCOP. Đây là cơ sở quan trọng, phù hợp trong xây dựng các chương trình hợp tác chung – Chủ tịch Hà Công Tuấn chia sẻ.
Quyết định 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/02/2022 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đưa chương trình đi vào chiều sâu thực hiện với các tiêu chí mới như: Xây dựng Nông thôn mới nâng cao đối với cả cấp huyện, xác lập Nông thôn mới cấp thôn/bản,… Việc ban hành 6 chương trình chuyên đề riêng phục vụ Xây dựng Nông thôn mới (gồm: OCOP, Du lịch nông thôn, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, và 2 chuyên đề mới giai đoạn 2021-2025: môi trường- an toàn thực phẩm – nước sạch, an ninh trật tự), nhằm tăng cường, phát huy hiệu quả Quyết định 262/QĐ-TTg…
Trên cơ sở đó, một số đề nghị phối hợp (từ phía Hội) được TS. Nguyễn Văn Thịnh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nhấn mạnh tại buổi làm việc như: Tuyên truyền - truyền thông chủ trương, chính sách, chủ trương về xây dựng Nông thôn mới trên website và Tạp chí (dự kiến) của Hội; Nghiên cứu, phản biện, góp ý xây dựng các chính sách trong xây dựng Nông thôn mới, OCOP theo giai đoạn, thời điểm cụ thể; Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các mô hình trong xây dựng Nông thôn mới như: Nông nghiệp đa giá trị, Du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với làng nghề, làng nghề truyền thống,… ; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chương trình trong chuyên đề Chuyển đổ số;…
Về phương thức, Có thể bắt đầu từ những hoạt động nhỏ, theo phương thức đặt hàng – kiến nghị thực hiện hoặc trực tiếp giao việc… trước khi có những phối hợp mang tính chất dài hạn hơn.
Đây là các nội dung được hai bên tập trung trao đổi trong suốt buổi làm việc cùng các nội dung như: Biên tập, biên soạn tài liệu liên quan; Phối hợp xây dựng hội đồng tư vấn, hội đồng chuyên gia phục vụ chương trình; Đào tạo, tập huấn; Tư vấn -hỗ trợ;…
Theo chia sẻ của Phó Chánh văn phòng Phương Đình Anh: Với thế mạnh của Hội, Hội là điểm tựa cho văn phòng và những người làm chuyên môn tại Văn phòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở cần thiết thúc đẩy các hoạt động phối hợp mang tính chiều sâu theo yêu cầu chung của chương trình.
Trên cơ sở phối hợp, tương trợ, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ thế mạnh của mỗi bên song phải thượng tôn pháp luật, minh bạch tài chính,… – TS. Hà Công Tuấn đề nghị hai bên sau buổi làm việc sẽ tiếp tục bàn thảo, nhanh chóng thống nhất đưa ra chương trình phối hợp cụ thể đến 2025 và các công việc cần làm ngay năm 2023.
Theo Chủ tịch hội, cần phối hợp tổng quan các nội dung: Phối hợp trong các lĩnh vực thuộc chức năng của văn phòng Nông thôn mới Trung Ương trên cơ sở Điều lệ và thế mạnh Hội đang có; Nghiên cứu, phản biện, đề xuất các chính sách trong chương trình; Xây dựng nhân rộng các mô hình trong chương trình, cụ thể về: Kinh tế nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, phát triển thị trường,…. Đồng thời chú trọng các công tác truyền thông, thông tin, các nội dung mang tính khoa học. Về phía Hội, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội cũng như của các đơn vị trực thuộc trong triển khai phối hợp, tránh không đáp ứng được yêu cầu của phối hợp.
Đồng thuận quan điểm, ông Ngô Trường Sơn – Chánh văn phòng một lần nữa khẳng định, Hội luôn được Bộ ủng hộ và chú trọng trong các hoạt động, thể hiện qua chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong thời gian qua. Về phía VPĐP, mong muốn được phối hợp cùng Hội trong các nội dung vừa nêu và tiếp tục thống nhất bằng văn bản phối hợp cụ thể. Theo ông Ngô Trường Sơn, giai đoạn 2021-2025, Nông thôn mới có nhiều bước phát triển mới trong chỉ đạo và định hướng thực hiện. Đây là cơ sở thuận lợi cho công tác phối hợp.
Riêng về cơ chế phối hợp, theo các ý kiến tại buổi làm việc, hai bên tiến hành nghiên cứu các cơ chế phối hợp theo từng nội dung trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật như: đấu thầu, đặt hàng, chỉ định chuyên môn, chỉ định chuyên gia,… Việc ký kết theo từng nội dung cụ thể gắn với từng cơ chế. Đối với địa phương, phần nào do VDĐP đảm nhận sẽ có phương thức phối hợp cụ thể theo đề xuất từ cơ sở.
Hoàng Nhung