Thông qua hoạt động ủy thác đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ hội cấp huyện, xã không ngừng nâng cao năng lực, chú trọng đến chất lượng hoạt động ủy thác ngày càng phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, rất nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội được tiếp cận, tăng cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế và tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp vào thành quả phát triển chung của kinh tế đất nước.
Đặc biệt tín dụng chính sách xã hội có vị trí quan trọng trong việc góp phần nâng cao vị thế của chị em phụ nữ tại những địa phương còn nhiều khó khăn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ý nghĩa của đồng vốn càng sáng rõ với những người dân như chị Hoàng Thị Thu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Sỏi, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch. Từ những ngày đầu lập nghiệp hoàn cảnh kinh tế của gia đình chị rất khó khăn, vợ chồng trẻ, con cái còn nhỏ, thiếu vốn để sản xuất. Giữa lúc bộn bề khó khăn, chị được Hội LHPN xã Vạn Trạch và TK&VV hỗ trợ bình xét vay 30 triệu từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm.
“Ban đầu tôi bàn bạc cùng chồng mua 2 con bò sinh sản về nuôi vì nhà tôi có nơi dựng chuồng trại, có nguồn cỏ cho bò ăn, có cả sức lao động nữa. Từ 2 con bò đầu tư ban đầu sau 2 năm gia đình tôi đã có những con bê đầu tiên rồi tăng đàn lên tới 10 con. Sau đó gia đình tôi đã bán bớt một số bò thịt để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, một phần để sửa chữa căn nhà đang ở, nuôi các con học hành và tiết kiệm trả nợ vay. Hiện nay gia đình tôi còn 7 con bò, có 3 con đang kỳ chuẩn bị sinh sản, 2 con bò đực để làm dịch vụ phối giống”, chị Thu chia sẻ.
Ngoài việc làm kinh tế gia đình giỏi chị còn là Tổ trưởng Tổ TK&VV tâm huyết với công tác vay vốn do hội Phụ nữ xã Vạn Trạch quản lý, chị còn là chi hội trưởng phụ nữ thôn đầy nhiệt huyết tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, các chương trình tín dụng mà Ngân hàng CSXH triển khai…
Ngoài ra còn nhiều hộ đã vay vốn Ngân hàng CSXH sử dụng tốt nguồn vốn để phát triển rừng bảo vệ đất khu vực bảo tồn Phong Nha Kẻ Bàng. Ông Nguyễn Đức Vượng thôn 8 xã Xuân Trạch vay vốn số tiền 100 triệu đồng, chương trình cho vay Hộ mới thoát nghèo. Để đầu tư trồng cây keo lai, sau khi vay vốn Ngân hàng CSXH ông Vượng đã đầu tư trồng cây keo lai 6 ha đã mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng/1 năm.
Có thể nói, trong suốt những năm qua, Hội LHPN huyện Bố Trạch luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn chính sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ đạt trên 317 tỷ đồng, có gần 6.452 hộ vay tại 142 Tổ TK&VV; Tỉ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ; Chất lượng hoạt động Tổ TK&VV ngày được nâng cao với 136 tổ xếp loại tốt, 6 tổ xếp loại khá, không có tổ TK&VV xếp loại trung bình hay yếu kém.
Điều đó đã minh chứng rằng vai trò to lớn của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch là một trong những tổ chức chính trị xã hội đáng tin cậy, luôn đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hoạt động ủy thác giữa Hội LHPN với Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch thực sự mang lại hiệu quả góp phần thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn./.
Bùi Quốc Dũng