Tháng Giêng Âm lịch là thời gian hàng trăm lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức. Đây cũng là cơ hội để du khách thập phương vừa được du xuân, vừa được tham gia, đồng thời tìm hiểu thêm về các hoạt động, phong tục văn hóa thú vị của những mảnh đất khác nhau. Tại miền Bắc nước ta, một trong những địa phương có nhiều lễ hội truyền thống vào tháng Giêng Âm lịch nhất là mảnh đất kinh bắc Bắc Ninh. Không thể bỏ qua cái tên Hội Lim, sẽ được chính thức tổ chức trong 2 ngày 12-13 tháng Giêng Âm lịch.
Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…, viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng Giêng.
Với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của vùng đất Kinh Bắc, mỗi năm, có hàng vạn du khách không chỉ ở Bắc Ninh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, đến đây và hòa mình vào không khí lễ hội. Thống kê từ BTC lễ hội, bình quân lượng người tới Hội Lim hàng năm vào khoảng 50 nghìn người. Tuy nhiên vào lễ hội năm ngoái, số người tham dự lễ hội tăng mạnh.
Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời và được duy trì suốt hàng trăm năm. Tuy nhiên trong thời gian chiến tranh, các hoạt động của lễ hội bị tạm dừng trong nhiều thập kỷ. Đến thời kỳ sau đổi mới, hội mới chính thức được tổ chức trở lại, vào ngày 12, 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày chính hội là ngày 13. Trong suốt 2 ngày của Hội Lim, rất nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Kinh Bắc diễn ra, bao gồm cả phần lễ và phần hội. Đầu tiên là phần lễ, bắt đầu bằng Lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim. Sau đó đến rước sắc từ đình làng Lộ Bao sang đình làng Đình Cả, tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền chùa.
Còn phần hội bao gồm nhiều hoạt động, trong đó đặc trưng nhất là hát quan họ - nét đẹp văn hóa nổi tiếng của Bắc Ninh. Có thể kể tới hát giao lưu, hát đối đáp quan họ, hát quan họ tại cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền... Cũng bởi điều này, nhiều du khách tham gia Hội Lim thường nói vui rằng, tới chơi hội, đi đâu cũng "được nghe hát".
Bên cạnh các tiết mục, màn biểu diễn hát quan họ, phần hội ở Hội Lim còn bao gồm nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... Tất cả các trò chơi đều thu hút đông đảo du khách tập trung lại xem, tạo nên không khí vô cùng sôi động, náo nhiệt ở ngày hội xuân.
Theo Ban tổ chức lễ hội Lim 2024, Lễ hội Lim xuân Giáp Thìn năm nay được tổ chức nhằm phát huy bản sắc, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy lòng tự hào của người con quê hương Kinh Bắc, đồng thời thể hiện lòng thành kính, biết ơn những danh nhân lịch sử văn hóa và những anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Qua đó, lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người quê hương Bắc Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Tại lễ hội, ngoài phần lễ sẽ là phần hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, hát quan họ (12 lán trại quan họ), các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân, thi cờ người, bóng chuyền hơi… sẽ tạo thêm không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, cổ vũ động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.