Tham dự Hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí trên toàn quốc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác báo chí năm 2020 và đánh giá khái quát giai đoạn 2016 - 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương; báo cáo tham luận của các cơ quan quản lý, chỉ đạo, chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí.
Theo Ban Tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2020, trong năm qua các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Đại hội Đảng các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hợp tác để giải quyết những vấn đề chung trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống, làm việc ở nước ngoài...
Tuy nhiên, trong năm 2020, cùng với những ưu điểm, kết quả nêu trên, hoạt động báo chí còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Một số cơ quan báo chí vẫn để xảy ra tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội...
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030; thách thức về đại dịch Covid-19; hòa bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn trong khu vực vẫn còn nhiều phức tạp… Vì vậy đòi hỏi các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước, tiếp tục kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến nay, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Do những khó khăn kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo báo chí giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí. Có cơ quan báo chí sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Hiện cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với trên 21.000 người được cấp thẻ nhà báo (tăng 725 so với năm 2019).
Trong năm 61/78 cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp, qui hoạch đã thực hiện qui hoạch lại. Hiện đang xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo và tham luận tại hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đề ra các giải pháp cần khắc phục…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, năm qua, vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện, trở thành "điểm sáng" đối với cộng đồng quốc tế. Kết quả này có sự đóng góp của lực lượng công tác làm truyền thông, các cơ quan báo chí.
Ngoài vai trò trong phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ cũng thấy rõ thời gian qua, rất nhiều năng lực tích cực được báo chí khơi dậy, thổi lên, làm cho người Việt Nam thấy mình yêu nước hơn, tin Đảng, tin chính quyền hơn, cộng đồng quốc tế nhìn vào Việt Nam với một con mắt khác hẳn.
Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn về kinh tế mà các cơ quan báo chí đang gặp phải. Đánh giá về quy hoạch báo chí trong năm qua là một trong những thành công, Phó Thủ tướng mong muốn báo chí tiếp tục thực hiện được những thế mạnh của công nghệ mới, cùng nhau tạo ra các giải pháp hay, biến thành cánh tay nối dài để hòa nhập với thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm đến việc phát huy ý kiến phản biện xã hội của các cơ quan quan báo chí để xây dựng Chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, năm 2020 là năm của những nỗ lực, cố gắng. Năm mà Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có tăng trưởng cao nhất, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong những thành công đó, có đóng góp không nhỏ của công tác thông tin, truyền thông, mà báo chí là lực lượng tiên phong đi đầu.
Các cơ quan báo chí đã chủ động thực hiện đợt sinh hoạt chính trị, đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng làm “Ý Đảng quyện lòng dân”. Nhiều nhà báo đã dấn thân, dũng cảm đi vào những nơi khó khăn nhất từ vùng dịch bệnh đến nơi thiên tai, bão lũ; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; tăng cường phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Với vai trò vũ khí của Đảng và là diễn đàn của Nhân dân, bước sang năm 2021, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát các sự kiện thời sự chính trị để thông tin kịp thời, chính xác, phong phú; Đồng thời, tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để các Nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.
Các cơ quan báo chí phải tập trung xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông; khẩn trương hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý tòa soạn, quy trình tác nghiệp nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền lực trong hoạt động báo chí để trục lợi; đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tư nhân núp bóng, lợi dụng hoạt động báo chí để chi phối nội dung, hoạt động của báo chí. Năm 2021, Trung ương sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí trên địa bàn cả nước.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo, công tác thông tin tuyên truyền năm 2020.
Tạ Thành