Chiều 17/4, tại trụ sở Bộ Tư pháp số 58-60 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo góp ý kiến hoàn thiện Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ để phát triển đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những nhiệm vụ Nghị quyết đề ra là hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, công khai, minh bạch. Đặc biệt, tại Nghị quyết, lần đầu tiên Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, đảm bảo tính chuyên nghiệp, có đầy đủ năng lực, phẩm chất, hiểu biết sâu rộng trong nước, quốc tế để phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và đất nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn đặt ra nhiệm vụ tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạch định, hoàn thiện chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Với những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp đã triển khai hơn 10 năm qua, hiện nay càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp - cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được một số dấu ấn.
Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, kể từ ngày 1/2/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chính thức tiếp nhận nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến góp ý vào kế hoạch, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 đảm bảo Chương trình mang tính tổng thể, có chiều sâu, toàn diện, đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả.
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn, thách thức trong tiếp cận hệ thống pháp luật, nguồn lực con người, kinh phí. Các doanh nghiệp chưa tập trung cho vấn đề phòng ngừa rủi ro mang tính chất pháp lý; chưa tập trung sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng hiệu quả, phạm vi, tác động đến doanh nghiệp còn hạn chế. Bà Ngô Quỳnh Hoa mong muốn các đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn về những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải, nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tiếp cận pháp luật; đề xuất, mong muốn của doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Phong Hòa, Hiệp hội Da - Giày -Túi xách Việt Nam nêu lên vướng mắc trong quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ, vướng mắc ở thủ tục hoàn thuế, đồng thời bày tỏ mong muốn có chương trình chuyên đề riêng để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất doanh nghiệp khi thành lập phải đăng ký với một đơn vị tư vấn pháp luật để nâng cao hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các vấn đề pháp lý phức tạp.
Trao đổi tại Hội thảo, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân ((Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, tổng hợp các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, hiện nay, doanh nghiệp còn thiếu các thông tin mang tính định hướng kinh doanh, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong quá trình áp dụng pháp luật.
“Tuy có nhiều kênh thông tin để cập nhật cho doanh nghiệp nhưng chưa sát sườn, chưa “chạm” được vào nhu cầu của doanh nghiệp bởi đang thiếu một vị "nhạc trưởng" để kết nối thông tin trong các lĩnh vực khác nhau như thuế, bảo hiểm, phát triển doanh nghiệp…”, bà Thủy phân tích.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, nhu cầu thông tin của doanh nghiệp rất khác nhau, do vậy chương trình phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý cần đề cao tính ưu tiên trong lựa chọn các chủ đề, trong đó cần lưu ý tới các vấn đề “nóng”, ảnh hưởng đến doanh nghiệp như vấn đề đất đai, tín dụng, thuế.
Tiếp theo đó bà Đào Thị Lan Phương ,chủ tịch khối sức khoẻ sắc đẹp-Spa thẩm Mỹ Việt Nam đề xuất ý kiến nên tuyên truyền phổ biến triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức,hiệp hội,câu lạc bộ… để kiến thức hỗ trợ pháp lý tiếp cận trực tiếp được đến các doanh nghiệp.