Hội thảo Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Sáng 15/3, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức Hội thảo Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam cho hay ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng đối với Luật thuế TTĐB  
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam cho hay ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng đối với Luật thuế TTĐB  

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam cho biết, ngày 21/2, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các sắc thuế đối với đời sống, kinh tế-xã hội.

Bộ Tài chính cũng đề xuất trình Chính phủ tiến độ của dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) gồm: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi), trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị sửa đổi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

"Ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng bởi Luật thuế TTĐB, với những đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, do vậy các ý kiến đóng góp của ngành hàng là rất quan trọng để bảo đảm chính sách pháp luật khi ban hành có sự đồng thuận cao, hài hòa lợi ích cũng như bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững", ông Nguyễn Văn Việt cho hay.

Ông Chris Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) phát biểu tại hội thảo  
Ông Chris Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) phát biểu tại hội thảo  

Ông Chris Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Đà Nẵng cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa thế nào là "đồ uống có đường" trong khi dự luật là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề xuất này có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ có thai, người già, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh... việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của mọi gia đình và sức khỏe của người dân.

‎"Bộ Tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội", ông Chris Vanloon ý kiến.

Bên cạnh đó, chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì… cũng như cả nền kinh tế”.

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cho rằng hiện chưa phải thời điểm để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, phải xem xét đến thời điểm sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại có phù hợp hay không? Và trình tự, lộ trình thực hiện việc sửa đổi Luật. “Trước mắt, chúng ta chưa nên có những xáo trộn nhiều về thuế tiêu thụ đặc biệt, vẫn nên giữ như vậy. Giai đoạn chuyển tiếp có thể bắt đầu làm thí điểm, ở mức độ cẩn trọng và phải từ năm 2026 trở đi”, ông Thành nói.

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cần có sự cẩn trọng trong việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế là cần thiết nhưng phải có lộ trình và xem xét kĩ mặt hàng tăng thuế. “Việc tăng thuế cần có lộ trình. Ở thời điểm hiện tại chưa nên tăng thuế”, luật sư Quỳnh Anh nêu quan điểm.

Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành đồ uống tham gia, đóng góp ý kiến  
Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành đồ uống tham gia, đóng góp ý kiến  

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): “Ngoài những khó khăn chung, về môi trường pháp lý, từ năm 2003 đến nay, Luật thuế TTĐB đã 5 lần sửa đổi (vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016). Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp. Thực tiễn cũng cho thấy: Tăng thuế TTĐB chưa đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe; Tăng thuế không giải quyết vấn đề rượu bất hợp pháp, chiếm 60- 70% thị trường, gây thất thoát 751 triệu USD/năm, từ đó, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và kinh doanh hợp pháp; Tăng thuế TTĐB không giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho nhà nước”.

Với các nhà máy có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành, doanh thu 200.000 tỷ đồng/năm, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước (khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước), ngành đồ uống còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn; truyền cảm hứng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội; tạo tác động lan tỏa khi thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị: nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.

Đa số các ý kiến tại sự kiện cũng có chung quan điểm, việc bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia cần được cân nhắc, xem xét một cách tổng thể, phù hợp với bối cảnh thực tế.

Hoàng Nhung