Dự án được triển khai từ tháng 11/2016 đến ngày 30/6/2020 tại Hà Nội và sáu tỉnh Bắc Trung bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng kinh phí 5,696 triệu USD. Trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại 5,0 triệu USD, đến từ quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB).
REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, chống suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững, tăng cường trữ lượng các-bon rừng. Việt Nam đã tham gia REDD+ từ rất sớm vào năm 2008 và tới nay đã có hơn 45 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam được triển khai, tạo nền tảng về mặt thể chế, chính sách và kỹ thuật cho REDD+ để tiến tới thực hiện các hoạt động REDD+ và chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải và/hoặc hấp thụ các-bon.
Dự án FCPF-2 được triển khai với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế, kỹ thuật cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và sáu tỉnh Bắc Trung Bộ nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam; xây dựng Chương trình Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPD) giai đoạn 2018-2025, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP) theo Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 và Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris 2015.
Các hợp phần chính của Dự án FCPF-2 bao gồm:
- Hợp phần 1: Các nghiên cứu phân tích và phát triển năng lực để triển khai REDD+ hiệu quả cấp trung ương và cấp tỉnh.
- Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật và chính sách về đổi mới công ty lâm nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng cung cấp dịch vụ REDD+; thu hút khu vực tư nhân tham gia và hỗ trợ tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản.
- Hợp phần 3: Xây dựng đánh giá Môi trường và Xã hội chiến lược các chiến lược REDD+ cấp quốc gia và cấp tỉnh, tham vấn và sự tham gia của các bên liên quan.
- Hợp phần 4: Quản lý, giám sát và đánh giá dự án.
Phát biểu tại buổi tổng kết dự án, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao nỗ lực của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý dự án FCPF 2 và các tỉnh thực hiện dự án đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện dự án này. Trong thời gian tương đối ngắn (3.5 năm) dự án đạt ra mục tiêu cao là hỗ trợ cho Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước sang giai đoạn thực hiện và nhận chi trả dựa trên kết quả REDD+ thông qua 4 hợp phần dự án. Qua các báo cáo tham luận có thể thấy về cơ bản dự án đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, các nhiệm vụ ở cả 4 hợp phần đều được triển khai đồng bộ, tỷ lệ giải ngân đều ở mức 95%.
Sau ba năm thực hiện, dự án đã đạt được những thành quả đáng chú ý:
Về mặt hỗ trợ thể chế chính sách về ngành Lâm nghiệp và REDD+: Dự án đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác trong ngành Lâm nghiệp. Dự án hỗ trợ xây dựng Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 và các Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) cho sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Về mặt kỹ thuật: Dự án đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 (ER-P), đồng thời tích cực hỗ trợ tiến trình đàm phán và ký kết Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới để thực hiện ER-P, xây dựng các tài liệu kỹ thuật liên quan để triển khai thực hiện Chương trình như Kế hoạch đảm bảo an toàn môi trường và xã hội, Kế hoạch chia sẻ lợi ích, Cơ chế khiếu nại và phản hồi, Cơ chế quản lý đảo nghịch và các văn bản khác phục vụ phê duyệt Chương trình trong nước.
Dự án đã hỗ trợ cho sáu tỉnh Bắc Trung Bộ 675 máy tính bảng và tập huấn sử dụng cài đặt phần mềm chuyên dụng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
Dự án đã tập huấn kỹ thuật cho các Ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó hỗ trợ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lâm nghiệp Hương Sơn - Hà Tĩnh duy trì giá trị chứng chỉ với tổng diện tích là 19.708 ha, Nhóm chứng chỉ rừng Liên hiệp HTX Tây Kim - Hương Sơn - Hà Tĩnh duy trì giá trị chứng chỉ với tổng diện tích là 358 ha/ 199 hộ thành viên và Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh - Thanh Hóa được cấp chứng chỉ rừng số GFA-FM/COC-003698 tổng diện tích là 10.292 ha.
Việt Nam chủ trương bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, tập trung vào phát triển rừng trồng và sử dụng các giá trị nhiều mặt về môi trường của rừng trong đó có dịch vụ giảm phát thải, hấp thụ các bon rừng. Chính vị vậy chúng tôi đánh giá rất cao các tổ chức quốc tế đã và đang hỗ trợ cho Việt Nam trong sự nghiệp phát triển ngành Lâm nghiệp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện sáng kiến REDD+. Đặc biệt là Ngân hàng thế giới đã tài trợ cho Việt Nam thực hiện dự án FCPF giai đoạn 1 và 2 từ năm 2013, mở ra các cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính bổ sung cho ngành Lâm nghiệp. Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng thế giới sẽ là thành quả cụ thể của nỗ lực bền bỉ của các bên.
Dự án FCPF 2 sẽ kết thúc vào 30/6/2020. Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp với vai trò là chủ dự án có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục kết thúc dự án theo quy định, đặc biệt Ban quản lý cần tổng hợp những bài học thu được trong quá trình thực hiện dự án để trao đổi, chia sẻ rộng rãi trong nước và quốc tế.
Bùi Huyền