Hơn 50% thị phần mua sắm trực tuyến do Gen Z "chiếm lĩnh"

Thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang nhanh chóng trở thành lực lượng tiêu dùng chủ đạo trong kỷ nguyên số. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thói quen tiêu dùng trực tuyến, Gen Z hiện đang "chiếm lĩnh" hơn 50% thị phần mua sắm trực tuyến, đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách thức và xu hướng tiêu dùng.

Công ty Phân tích Dữ liệu YouNet ECI mới đây đã công bố báo cáo về dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2025 - 2028. Theo báo cáo, phân theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần chiếm 53,4% là Gen Z và 46,6% là Millennials (thế hệ sinh từ 1981-1995).

Khảo sát của YouNet Media tại các thành phố Việt Nam cho thấy, có đến 62,8% người tiêu dùng thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ít nhất một lần mỗi tuần. Tuy nhiên, thu nhập khác nhau đã dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa hai thế hệ này về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách thức ra quyết định khi mua sắm trực tuyến.

Hơn 50% thị phần mua sắm trực tuyến do Gen Z "chiếm lĩnh" - Ảnh 1

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh rằng Gen Z là nhóm dẫn đầu trong việc sáng tạo và thích nghi với các xu hướng mới. Khoảng 51% Gen Z cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi lựa chọn sản phẩm mới. Các sản phẩm mà nhóm này thường xuyên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu thuộc các lĩnh vực thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, giá trị giỏ hàng trung bình của Gen Z trong ba ngành hàng này đang chiếm ưu thế, từ đó giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử hoạch định các chiến lược phù hợp để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này. Hơn nữa, 55% người tiêu dùng Gen Z thường tham khảo ý kiến từ các micro-influencers (những người có ảnh hưởng từ 10.000 – 100.000 người theo dõi trên mạng xã hội) có phong cách giống họ trước khi đưa ra quyết định mua hàng, đặc biệt là trong các lĩnh vực thời trang và làm đẹp.

Với Gen Z không đơn thuần chỉ mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, họ đang tạo ra một văn hóa mua sắm mới. Với tiêu chí "cá nhân hóa" và "trải nghiệm", họ tìm kiếm những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, phù hợp với cá tính riêng. Việc mua sắm trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Gen Z, không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn là một cách để thể hiện bản thân và kết nối với cộng đồng. Việc chiếm lĩnh hơn 50% thị phần mua sắm trực tuyến cho thấy Gen Z đang định nghĩa lại cách chúng ta mua sắm.

Thế hệ Millennials, dù đứng sau Gen Z, cũng có nhu cầu mua sắm cao. Mặc dù các đơn hàng của họ có giá trị cao hơn do tiềm năng kinh tế lớn hơn, Millennials vẫn tập trung vào các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, nhưng cũng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Với nhu cầu mua sắm khác biệt, Millennials đặt ra yêu cầu cao hơn về dịch vụ và độ tin cậy khi mua sắm trực tuyến. Các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua hàng của họ bao gồm: chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng, phương thức thanh toán thuận tiện, và khả năng thỏa thuận về thời gian giao hàng. Giá cả và mã khuyến mãi chỉ đứng ở vị trí thứ 5 và 10 trong danh sách ưu tiên.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thích nghi với công nghệ và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Với dân số trẻ, yêu công nghệ và tốc độ tăng trưởng Internet cao, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.

Dựa trên những yếu tố này, dự báo tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt đến mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm) từ 2024 đến 2028, cao hơn nhiều so với những dự báo trước đây. YouNet ECI cũng ước tính tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt 49,9 tỷ USD vào năm 2028, nếu tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng hiện nay.