Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các nội dung như: Xây dựng cơ sở dữ liệu, số hoá để có truy xuất nguồn gốc sản phẩm đó là minh chứng trên sản phẩm để làm sáng rõ về lịch sử sản xuất, địa điểm, ứng dụng tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp sản xuất và chất lượng của sản phẩm nông sản.
Dễ dàng nhận dạng sản phẩm nông nghiệp qua đặc điểm sinh học, ưu thế của từng giống cây, con giống, số liệu chỉ dẫn địa lý về địa điểm qua Google map, trạng thái đất, nước, khí hậu nơi sản phẩm được sản xuất ra.
Quy trình sản xuất được minh bạch thông tin các vật tư sử dụng đầu vào cho chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói. Người sản xuất sản phẩm có thể số hoá phương pháp và quy trình sản xuất kết hợp giữa công nghệ để quản lý trên nền tảng số từ lựa chọn đầu vào - sử dụng - giám sát - kiểm tra - điều chỉnh trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Xây dựng và nhập liệu vào tài khoản cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân, đồng thời xây dựng và tạo sự kết nối giữa việc cung cấp đầu vào của người nông dân với doanh nghiệp, HTX từ chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, cho đến việc thu hoạch, chế biến và bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo ra sự liên tục trong sản xuất - kinh doanh, không kể thời gian hay không gian nhờ vào ứng dụng nhật ký sản xuất Facefarm và phần mềm kế toán Waca của công ty Sorimachi Việt Nam, qua đó làm tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí cho người nông dân và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tăng tính hiệu lực, hiệu quả của việc giám sát, đảm bảo quá trình sản xuất liên tục và hiệu quả nhờ cung cấp dữ liệu thời gian thực cho chuỗi cung ứng, Tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có chất lương tốt.
Người nông dân có điều kiện làm việc tốt hơn vì ít lệ thuộc vào không gian, thời gian, hay thời tiết, đồng thời có sự kết nối hữu hiệu với khách hàng, đối tác tăng tính hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị thưc phẩm nông sản.
Các giao dịch số sẽ minh bạch và tiện lợi hơn, đảm bảo lợi ích các bên, tạo ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn và tạo cơ hội việc làm cho lao động có kỹ năng, trình độ giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, thay đổi chiến lược tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên sang đổi mới và sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp” một cách bền vững.
HOÀNG TUẤN