Theo định hướng phát triển cây chè bền vững trong thời gian tới của Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh, ngành chè được xây dựng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, đa dạng, trên cơ sở nhu cầu của thị trường gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nguồn nước, lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phát triển sản xuất chè phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến chè, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trên cơ sở huy động được mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Cơ cấu các vùng sản xuất chè gắn với chế biến
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đến nay, diện tích trồng chè toàn tỉnh chỉ còn hơn 7.600 ha, cho sản lượng búp tươi đạt hơn 74.000 tấn/năm; trong đó, có 2.668 ha là chè lai LDP, 1.551 ha chè nhập nội và 1.688 ha chè trung du. Tổng sản lượng chè đen, chè xanh chỉ đạt 20.000 tấn/năm với giá trị sản phẩm đạt gần 400 tỷ đồng.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để khôi phục lại diện tích trồng chè, lấy lại thương hiệu từ sản phẩm chè, tỉnh Yên Bái đang chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng chè đen từ 85% xuống còn 65%; tăng tỷ trọng sản phẩm chè xanh từ 15% lên 35% và chè đặc sản. Đồng thời, tiếp tục làm tốt việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và sở hữu trí tuệ.
Phát triển chè thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Tại Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 xác định chè là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích chè đạt 23.500 ha, giá trị đạt 7.976 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.
Đến năm 2030, diện tích đạt 24.500 ha, giá trị đạt 9.440 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 400 triệu đồng/ha. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, phấn đấu diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000 ha, chiếm 25,5% tổng diện tích, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235 ha, chiếm 1% tổng diện tích.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư canh tác, sản xuất chè chuyên sâu, đa dạng sản phẩm như: hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP lần đầu, 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn GAP; hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu, 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học sản xuất chè hữu cơ trong 3 năm; Hỗ trợ người dân chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè và các loại máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, với hơn 16 nghìn ha chè, năng suất đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm; tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%; trong đó, cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh Phú Thọ và cây chè vẫn là một trong những cây trồng ổn định đem lại thu nhập bình quân đạt 30-40 triệu đồng/ha.
Hướng đến du lịch cộng đồng tại các vùng chè trọng điểm
Xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên có thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên vùng chè nơi đây có hương vị thơm ngon đặc trưng không nơi nào có được. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh chè, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ sản xuất, nhiều cơ sở đã tham gia hoạt động du lịch, đón khách, tạo ra điểm du lịch trải nghiệm văn hóa trà.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt chia sẻ: Không gian văn hóa trà của hợp tác xã gồm khu nhà gỗ 5 gian biệt lập hẳn với khu sản xuất, chỉ dành riêng cho du khách đến thưởng trà, trưng bày các sản phẩm chè, trong đó có khu tái hiện phương pháp sản xuất chè truyền thống và khu dành cho du khách trải nghiệm về văn hóa trà. Không gian văn hóa trà này còn có vườn hoa rực rỡ sắc màu rất thu hút khách chụp ảnh lưu niệm.
Tại không gian này, du khách có thể đi dạo trên cây cầu nổi giữa nương chè xanh biếc; cùng đội nón, đeo gùi đi hái chè cùng người dân vùng chè. Sau khi hái chè về, dưới sự hướng dẫn của cơ sở, họ thực hiện quá trình sao chè bằng phương pháp truyền thống để hiểu hơn về lịch sử quá trình sản xuất chè. Cũng tại đây, du khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức chén trà thơm ngon trong một không gian thưởng trà vô cùng độc đáo, ấm cúng, chia sẻ kinh nghiệm làm chè và lịch sử phát triển của hợp tác xã gắn với cây chè Tân Cương.
Đến nay, không gian văn hóa trà của Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm trà nổi tiếng của vùng chè Tân Cương.
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19-19, lượng khách chưa đạt được như kỳ vọng… Bà Đào Thanh Hảo khẳng định, thời gian tới, hợp tác xã chè Hảo Đạt sẽ mở rộng hệ thống dịch vụ như ăn uống, lưu trú, có hướng dẫn viên tại điểm, đội ngũ trà nương pha trà... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bà Hảo cho biết, điều quan trọng khi làm du lịch là phải có sản phẩm hấp dẫn để giữ chân được du khách lâu hơn khi đến với Tân Cương, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở địa phương.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Dinh Dinh