Ngành Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, nền kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước trong nhiều năm qua, khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn và cơ hội phát triển giảm sút. Với sự tiếp tục lây lan của đại dịch, dự báo rằng các tác động này sẽ kéo dài không chỉ trong ngắn hạn, mà còn có thể ảnh hưởng đến trung và dài hạn.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong quý I/2023. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,36% và thủy sản tăng 2,68%. Ngành cũng đặt mục tiêu trong quý II/2023, tăng trưởng giá trị gia tăng là 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với ba chữ “biến”, đó là “biến đổi khí hậu", "biến động thị trường", "biến chuyển xu thế tiêu dùng”. Theo đó, mọi thay đổi hay biến động đều khó khăn. nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn. Những khó khăn đó chính là cơ hội để xây dựng hình ảnh ngành nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững, tạo ra thương hiệu mới, giá trị mới, nhiều việc làm mới.
Nông nghiệp đa giá trị là hướng đi của tương lai.
Gợi mở từ “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” của Chính phủ ban hành, ngành Nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị”
Thực tế, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng khâu sản xuất thô chỉ chiếm 12 - 13% giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở những khâu sau thu hoạch. Nếu khai thác được hết, Việt Nam có thể hình thành nền kinh tế nông nghiệp đủ sức tạo ra sự phát triển bền vững ngay cả trong điều kiện bất lợi hay biến động. Nông nghiệp đa giá trị là hướng đi của tương lai.
Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, và cả những bản sắc văn hoá - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tích hợp đa giá trị là kết nối hài hoà nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn,...
Với cách thức tiếp cận “đa giá trị”, các công trình hạ tầng, các đề án, kế hoạch phục vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hay mở rộng ra đến tất cả các vấn đề của ngành nông nghiệp, đều có thể được quan sát, nhìn nhận trong tổng thể của sự kết nối, của tính đa công dụng, đa chức năng, đa mục tiêu.
Ví dụ như ở ngành lâm nghiệp, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính “đa dụng” của nó. Cùng với giá trị từ cây gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, những loài thảo mộc tự nhiên, dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao, là nơi trải nghiệm cảnh quang thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí carbon, giúp cân bằng hệ sinh thái. Những giá trị gần như vô hình đó tạo ra không gian sống hài hoà, thân thiện giữa con người với thiên nhiên.
Hiện, tại nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con còn khai thác những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách. Các địa phương đang ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp còn đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Khoa học, kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong nông nghiệp, nhưng chưa phải tất cả. Khi chưa thể ứng dụng được ngay những thành tựu tiên tiến nhất, chúng ta vẫn có thể nhìn nhận những điều đang có theo một cách nhìn mới, góc độ mới. Người đi sau luôn có lợi thế của người đi sau. Đó là rút ra những bài học để tận dụng thời gian, thu gần khoảng cách. Đó là tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu, để mang đến những giá trị mới cho những điều vốn tưởng chừng không có nhiều giá trị - những điều sẵn có trong tự nhiên, gần gũi với sinh hoạt ngày thường, thân thiện với môi trường. Từ đấy, những phụ phẩm nông nghiệp không còn bị lãng phí, mà được làm mới giá trị, trở thành một sản phẩm hiện diện trong vòng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp nằm ở các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều nền nông nghiệp phát triển là đều quan tâm, đầu tư vào hợp tác xã nông nghiệp. Có ý kiến khẳng định rằng: “Hợp tác xã, hợp tác xã, hợp tác xã, hay không là gì cả!”. Sức mạnh của “mua chung, bán chung” giúp tối ưu hoá chi phí đầu vào, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, chia sẻ rủi ro mùa vụ,… Nhân Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương thật sự quan tâm đến Hợp tác xã, một thiết chế kinh tế - xã hội nông thôn. Khi nói về Hợp tác xã, Bác Hồ đã đúc kết: “Nhóm lại thành giàu, chia ra thành khó”.
Vấn đề cần quan tâm là những chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác, của các hợp tác xã nông nghiệp. Theo đấy, hợp tác xã, nông dân – thành viên hợp tác xã được trang bị đầy đủ kiến thức lập phương án sản xuất kinh doanh, mang tính khả thi, xây dựng bảng cân đối tài chính minh bạch, thuyết phục được người tham gia góp vốn và thu về lợi nhuận, lợi ích.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn Ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn cần đến sự định hướng, lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, sự đồng hành, ủng hộ của các bộ, ban ngành, địa phương. Để không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.
Bảo An