Trà sữa đậm vị - "cuộc chơi" mới của thương hiệu Việt
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ tại các thành phố lớn, đã quen thuộc với những cái tên như Phê La, La Si Mi, La Boong, Ô Long đây, Katinat, Phúc Long... Điểm chung của những thương hiệu này là sử dụng trà đặc sản từ các vùng trồng nổi tiếng như Bảo Lộc, Thái Nguyên, Mộc Châu... để tạo ra những ly trà sữa đậm vị, nguyên bản, mang đậm bản sắc Việt Nam.
Phê La với slogan "chúng tôi bán trà ô long đặc sản Đà Lạt", đã tạo được tiếng vang lớn trên thị trường nhờ sự khác biệt trong hương vị và cách pha chế. Thay vì tập trung vào vị béo ngậy, thoảng mùi trà như các thương hiệu trà sữa khác, Phê La tập trung vào phân khúc trà đậm vị, kết hợp với các nguyên liệu thuần Việt như trầu không, phong lan, gạo rang... để tạo nên những thức uống độc đáo, mới lạ. Sự sáng tạo này đã giúp Phê La gặt hái được những thành công đáng kể. Năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 57 tỷ đồng. Chuỗi này sau đó đã nhận được đầu tư từ D1 Concept và hiện có 35 cửa hàng trên khắp cả nước.
La Si Mi cũng là một cái tên nổi bật trong phân khúc trà sữa đậm vị. Với các sản phẩm chủ lực được làm từ trà ô long Bảo Lộc như trà ô long sữa trân châu, trà ô long sen vàng kem phô mai, trà ô long đào cam sả, trà ô long cam vàng..., La Si Mi đã chinh phục khách hàng trẻ bằng hương vị trà tinh tế, đậm đà.
Xu hướng tiêu dùng trà tăng cao
Theo ông Văn Phú Viễn Phương, Nhà sáng lập chuỗi Tis Coffee & Tea, xu hướng tiêu dùng trà đậm vị đang ngày càng phát triển. Thống kê cho thấy, lượng khách hàng lựa chọn trà tại Tis Coffee & Tea chiếm đến 65%, cao hơn hẳn so với cà phê (35%). Trong đó, 80% khách hàng ưa chuộng các thức uống ít ngọt hoặc không đường, cho thấy sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, hướng đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Sự lên ngôi của trà sữa đậm vị "made in Vietnam" được xem là bước tiến tất yếu của thị trường F&B. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, ưa chuộng các sản phẩm tự nhiên, ít đường, ít béo, các thương hiệu trà sữa Việt Nam đã nắm bắt xu hướng này và mang đến những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Vũ Việt Anh, Nhà sáng lập chuỗi trà sữa La Boong, cũng cho biết dù thị trường F&B đang trải qua giai đoạn "đại thanh lọc", La Boong vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng đạt 30%/năm. Với mức giá bình dân (từ 25.000 - 50.000 đồng/ly) và hương vị trà ô long đặc trưng, La Boong đã bán ra khoảng 15.000 ly mỗi ngày trên toàn hệ thống hơn 120 cửa hàng.
Thị trường trà Việt Nam: Tiềm năng rộng mở
Sự phát triển của các chuỗi trà sữa, trà - cà phê nội địa không chỉ mang đến những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn cho người tiêu dùng mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành trà Việt Nam.
Trước đây, trà Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, các doanh nghiệp trà Việt đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn ở thị trường nội địa, thông qua việc cung cấp nguyên liệu cho ngành F&B hoặc phát triển các sản phẩm trà đóng gói cao cấp.
Thị trường trà đặc sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự góp sức của các chuỗi trà sữa, trà - cà phê. Các mô hình kinh doanh này đã biến tấu trà một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Mạng xã hội và các ứng dụng giao hàng cũng góp phần đưa thức uống từ trà Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trà trong nước, đặc biệt là trà hữu cơ, an toàn, đang ngày càng tăng cao. Nhiều thương hiệu đã tập trung phát triển thị trường nội địa, cung cấp các sản phẩm trà đa dạng với mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg.
Đa dạng hóa sản phẩm và lối đi mới
Bên cạnh việc cung cấp nguyên liệu cho ngành F&B, các doanh nghiệp trà Việt Nam cũng đang tìm kiếm những lối đi mới để phát triển thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào vùng trồng trà hữu cơ, phát triển các sản phẩm trà đóng hộp cao cấp, đồng thời cung cấp nguyên liệu trà cho thị trường trà sữa. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn sáng tạo và mở rộng sang các lĩnh vực khác như mỹ phẩm, du lịch... để khai thác tối đa tiềm năng của cây trà Việt Nam.
Thương hiệu Trà Việt Tú là một ví dụ điển hình. Ngoài việc bán trà uống, thương hiệu này còn kết hợp với các doanh nghiệp mỹ phẩm để sản xuất sữa tắm, bột khử mùi, dầu gội... từ lá chè xanh hữu cơ. Đồng thời, Trà Việt Tú cũng tận dụng vùng trồng trà hữu cơ tại Quảng Ninh để phát triển du lịch, kết hợp với ẩm thực, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ.
Có thể thấy, sự sáng tạo, đổi mới trong sản phẩm và cách tiếp cận thị trường sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp trà Việt Nam phát triển bền vững, khẳng định vị thế trên thị trường F&B trong nước và quốc tế.
Bảo An