Huyện Ba Vì: Người dân làm giàu từ cây chè, mỗi năm đút túi hơn 500 triệu đồng

Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Công Thanh (Dịch vụ chè Thanh Thiết) tại làng nghề truyền thống chè Phú Yên xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) làm giàu nhờ cây chè, mỗi năm bà đút túi hơn 500 triệu đồng.

Cây chè từ lâu đã được nhiều người biết đến là cây công nghiệp mang lại lợi ích giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân sinh sống ở làng nghề truyền thống chè Phú Yên xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng chè. Gia đình ông Nguyễn Công Thanh là một tấm gương điển hình như thế, mỗi năm ông thu lãi hàng nửa tỷ từ cây chè.

Từ khi chuyển sang trồng chè, đời sống của gia đình bà Thiết đã khá giả hơn so với trước. Ảnh: Sơn Thủy  
Từ khi chuyển sang trồng chè, đời sống của gia đình bà Thiết đã khá giả hơn so với trước. Ảnh: Sơn Thủy  

Hiện nay, trên địa bàn thôn Phú Yên, xã Yên Bài có 283 hộ gia đình với 1.009 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc, đa số có nguồn gốc là người lao động thuộc các xã Tòng Bạt, Phú Châu, Minh Châu của huyện Ba Vì, và một số xã của huyện Phúc Thọ, vào xây dựng kinh tế mới tại Nông trường Ba Vì (nằm trên địa bàn xã Yên Bài) từ năm 1989.

Năm 2006 thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, Nông Trường Ba Vì giải thể, các hộ gia đình chính thức được chuyển về trở thành công dân xã Yên Bài. Kinh tế hộ gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, trong đó cây chè vốn là cây truyền thống của địa phương xã Yên Bài và người dân Phú Yên từ hàng chục năm qua.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thiết vợ ông Thanh (Dịch vụ chè Thanh Thiết) chia sẻ: “Nói về quy mô trồng chè của gia đình vẫn làm thủ công gần như 100%, thiết bị khoa học chưa được đầu tư, chè chủ yếu gia đình đang làm là chè nõn 1 tôm 2 lá. Quy trình chè thì đa dạng và chất lượng ngay từ khi chăm sóc cây chè toàn bộ là phân hữu cơ, thuốc sinh học. Đầu ra sản phẩm chè của gia đình thì trên địa bàn các tỉnh thành cả nước, trước đó là bán hàng xuất khẩu, nhưng giờ chủ yếu là nội tiêu. Hiện nay, gia đình 1 tháng bán khoảng 20 đến 30 tấn chè khô, tính trung bình 1 năm đạt 100 tấn thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng”.

Ảnh 2: Ngoài diện tích trồng chè gia đình bà Thiết còn trồng đan xen cây ăn quả. Ảnh: Sơn Thủy  
Ảnh 2: Ngoài diện tích trồng chè gia đình bà Thiết còn trồng đan xen cây ăn quả. Ảnh: Sơn Thủy  
Gia đình bà Thiết mỗi 1 tháng bán khoảng 20 đến 30 tấn chè khô, tính trung bình 1 năm đạt 100 tấn thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng. Ảnh: Sơn Thủy
Gia đình bà Thiết mỗi 1 tháng bán khoảng 20 đến 30 tấn chè khô, tính trung bình 1 năm đạt 100 tấn thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng. Ảnh: Sơn Thủy

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết: “Xã Yên Bài về đích Nông thôn mới năm 2020, giai đoạn năm 2021 - 2023 xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Hiện nay tại làng nghề truyền thống chè Phú Yên có khoảng gần 300 hộ dân, chủ yếu các hộ đó đều làm chè và phát triển thương hiệu chè, trong việc trồng chè có trồng đan xen cây ăn quả như bưởi, mít. Thương hiệu chè Phú Yên đã được công nhận sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao, hiện nay sản phẩm OCOP của xã chỉ có sản phẩm chè và bưởi, bình quân thu nhập trên đầu người đạt trên 50 triệu/người/năm với tổng dân số gần 10 nghìn người”.

Trong đó, xã Yên Bài sẽ tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè; tổ chức sắp xếp cơ sở chế biến và sản xuất chè; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Xây dựng, mở rộng vùng sản xuất chè hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định trong phát triển sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.

Sơn Thủy