Huyện Phong Thổ khai thác lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu

Phong Thổ là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu có diện tích rừng lớn (trên 46.000ha), độ che phủ rừng đạt 44,25%. Nhiều nơi trong huyện có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển cây Sâm Lai Châu bởi loại cây này phân bố nhiều ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mực nước biển. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình trên địa bàn huyện Phong Thổ đã mở rộng diện tích trồng cây Sâm Lai Châu, chú trọng đến khâu chăm sóc để cây Sâm phát triển tự nhiên, cho sản phẩm chất lượng tốt.

Phong Thổ phát triển sâm thành thế mạnh của huyện.
Phong Thổ phát triển sâm thành thế mạnh của huyện.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ có 179,240 m2 Sâm Lai Châu. Trong đó, có 8 HTX, doanh nghiệp đã trồng được 96,090 m2, còn lại là diện tích trồng rải rác của các hộ gia đình ở các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Tung Qua Lìn, Dào San, Bản Lang. Hầu hết diện tích Sâm đã trồng đều phát triển tốt.

Với mục tiêu phát triển bền vững Sâm Lai Châu trên cơ sở tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của huyện; các chính sách của tỉnh về phát triển Sâm Lai Châu và đảm bảo người dân cũng như doanh nghiệp đều được tiếp cận chính sách hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức, tạo phong trào phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, huyện Phong Thổ đã rà soát, đánh giá diện tích các khu vực có điều kiện phù hợp để gây trồng, phát triển Sâm Lai Châu thu hút các nhà đầu tư theo quy định.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu hút người dân sống gần rừng tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái Sâm của tổ chức, doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích, gắn với bảo vệ rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm thúc đẩy phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Phong Thổ theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, tạo sinh kế cho người dân, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho UBND huyện đã kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện Đề án thí điểm thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu ở những nơi có điều kiện tại các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San, Sin Suối Hồ…

Huyện cũng quảng bá chất lượng, đặc biệt quan tâm đến các hàm lượng chất quý có trong Sâm Lai Châu; giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm Sâm Lai Châu do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trên địa bàn huyện; nghiên cứu thành lập các cửa hàng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm Sâm Lai Châu, giúp đỡ xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm... hướng đến mục tiêu vừa bảo tồn, phát triển Sâm vừa bảo vệ rừng, đưa Sâm Lai Châu không chỉ xứng đáng danh là ”Quốc bảo” của Việt Nam mà còn là ”Quốc kế dân sinh” mang lại thu nhập cao cho người dân vùng biên giới Phong Thổ.

Văn Hiếu /VPTB