Huyện Phú Lương nỗ lực phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP

Nói về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) không thể không nhắc đến sản phẩm chè nổi tiếng như Khe Cốc, Ôn Lương, Phú Đô... Phú Lương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực là: Gạo nếp vải; thịt lợn, thịt gà và trứng gà; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Xác định nông nghiệp là nền tảng cho phát triển kinh tế, huyện tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, OCOP, từ đó nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và thu nhập của bà con nhân dân.

Chè Phú Lương từng bước khẳng định thương hiệu. Ảnh: Phi Long.
Chè Phú Lương từng bước khẳng định thương hiệu. Ảnh: Phi Long.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: So với trước đây, các sản phẩm thế mạnh, OCOP của huyện đã được nâng cao chất lượng, thương hiệu cũng như sức tiêu thụ. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh với các giải pháp: quy hoạch, thực hiện hiệu quả quy hoạch đất đai hình thành vùng sản xuất tập trung; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và khuyến nông; phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, nhấn mạnh mục tiêu, định hướng tiếp tục lấy nông nghiệp là nền tảng cho phát triển kinh tế. Cụ thể hóa mục tiêu này, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện xác định cùng với chè búp khô, các sản phẩm thế mạnh của địa phương gồm: Gạo nếp vải; thịt lợn, thịt gà và trứng gà; gỗ và sản phẩm từ gỗ; đồng thời đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP.

Để phát triển thương hiệu lúa nếp vải, trong 3 năm (2021-2023), huyện Phú Lương đã tổ chức được 12 lớp tập huấn kỹ thuật về thâm canh lúa, phòng trừ sâu bệnh tại các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch; hỗ trợ bao bì, tem nhãn, phân bón, hỗ trợ dàn máy xay sát gạo, máy làm cốm cho các hợp tác xã (HTX)… Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, diện tích lúa nếp vải ngày càng được mở rộng, năm 2021 có 130ha, năm 2022 đạt 170ha và năm 2023 phat triển thành 180ha. Diện tích lúa nếp vải được cấp chứng nhận VietGAP đến năm 2023 đạt 76ha. Toàn huyện có 4 tổ hợp tác, 2 HTX hoạt động sản xuất, chế biến gạo nếp vải.

Chị Ma Thúy Lan, cán bộ nông nghiệp xã, thành viên HTX nếp vải Ôn Lương, cho biết: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng như gạo nếp vải đặc sản, cốm, cơm cháy, bánh chưng…, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ lúa, gạo nếp vải cũng ngày càng rộng.

Nếp vải Ôn Lương - loại gạo nếp đặc sản nổi tiếng của huyện Phú Lương và cả tỉnh Thái Nguyên.
Nếp vải Ôn Lương - loại gạo nếp đặc sản nổi tiếng của huyện Phú Lương và cả tỉnh Thái Nguyên.

Nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm thế mạnh, huyện đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP. Toàn huyện đã có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, 17 sản phẩm OCOP 3 sao. Tổng số chủ thể có sản phẩm OCOP là 17 (gồm 15 HTX; 1 công ty cổ phần; 1 hộ kinh doanh). Anh Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK, xã Yên Ninh, chia sẻ: Công ty chúng tôi có 2 sản phẩm OCOP 4 sao. Xây dựng sản phẩm OCOP không chỉ giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm thuận lợi mà còn chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn huyện Phú Lương, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Phát triển các sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là OCOP, đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vùng chè của HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).
Vùng chè của HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Xác định cây chè là cây trồng chủ lực với trên 4.130ha chè, huyện Phú Lương là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ hai của tỉnh. Phát huy thế mạnh này, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu chè Phú Lương, nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè.

Theo đó, để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Giai đoạn 2021-2023, tổng kinh phí hỗ trợ sản phẩm chè trên địa bàn huyện là hơn 18,4 tỷ đồng. Trong đó, ngoài kinh phí từ các sở, ngành và nhân dân đối ứng, kinh phí của huyện cân đối đầu tư là gần 7 tỷ đồng.

Huyện Phú Lương cũng phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân ở các xã, thị trấn. Nhờ vậy, diện tích chè của địa phương ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện đạt trên 4.136ha (tăng 46ha so với năm 2019). Trong đó, diện tích chè áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ là trên 3.000ha; diện tích được cấp chứng nhận mới, chứng nhận lại theo tiêu chuẩn VietGAP luỹ kế đến năm 2023 đạt trên 1.127ha (vượt mục tiêu của Đề án 437ha).

Huyện Phú Lương nỗ lực phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP  - Ảnh 1
Huyện Phú Lương nỗ lực phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP  - Ảnh 2
Huyện Phú Lương nỗ lực phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP  - Ảnh 3
Huyện Phú Lương nỗ lực phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP  - Ảnh 4
Huyện Phú Lương nỗ lực phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP  - Ảnh 5
Một số thương hiệu sản phẩm chè của huyện Phú Lương.
Một số thương hiệu sản phẩm chè của huyện Phú Lương. Ảnh: Phi Long.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, huyện cũng chú trọng hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè. Bởi vậy, công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển làng nghề, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến trên địa bàn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Hiện nay, toàn huyện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, 25 HTX, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè. Một số HTX đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên địa bàn, như: HTX chè Khe Cốc, xã Tức Tranh; HTX chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh…

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng 4 xã phía Đông (gồm: Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô) trở thành vùng nguyên liệu chè đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap. Thêm vào đó, để góp phần xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu Chè Phú Lương, bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức các ngày hội, hội chợ để xúc tiến thương mại, huyện sẽ xây dựng các làng nghề chè truyền thống theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm chè kết hợp với duy trì và phát huy nét văn hoá dân tộc của địa phương để tiến tới áp dụng hình thức quảng bá thương hiệu gắn với du lịch cộng đồng…

PHI LONG