Theo số liệu thống kê, đến tháng 10 năm 2022, toàn huyện Thanh Sơn đã có 23/23 xã, thị trấn đã đăng ký sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm đạt chuẩn COCOP là 15 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn về vốn, mặt bằng mở rộng sản xuất, ứng dụng vào sản xuất còn hạn chế… thì việc xét duyệt quá trình nâng hạng sao gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ.
Theo ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn chia sẻ, trong quá trình triển khai xây dựng OCOP gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu các sản phẩm OCOP của huyện chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều.
Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ. Đối với các chủ thể cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng.
Các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP vươn xa…
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Nam Cường, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh đã có 115 trong số 247 xã đạt chuẩn NTM. Cái khó nhất của Phú Thọ trong triển khai xây dựng NTM chính là số xã nhiều, địa bàn trải rộng, khó đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Để không ai bị bỏ lại phía sau trong xây dựng NTM, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền. Đây chính là lợi thế để Phú Thọ triển khai OCOP, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản vươn xa.
Huyện Thanh Sơn, nơi được xem là quê hương của sản phẩm thịt chua và chè Thanh Sơn nổi tiếng. Được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của các xã viên trên những đồi chè đang vào vụ thu hoạch, mới thấy hết những đòi hỏi khắt khe của một quy trình sản xuất chè khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bà Đinh Thị Lý, người dân xã Tất Thắng chia sẻ, mỗi ngày bà hái chè từ bốn đến năm giờ, theo tiêu chuẩn hái một tôm một lá và một tôm hai lá, thu được khoảng từ 2 đến 2,5 kg chè. Với công hái khoảng 25 nghìn đồng/ kg, mỗi ngày thu nhập gần 100 nghìn đồng; so với làm ruộng thì nhàn hơn và thu nhập cao hơn.
Sau vụ thu hoạch chè, bà Lý cùng các xã viên sẽ tiến hành làm cỏ bằng tay và bón phân hữu cơ để chè tiếp tục sinh trưởng. Đây được xem là công việc thường ngày của xã viên, còn với giám đốc HTX chè xanh Cẩm Mỹ, Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, lại khác. Việc phát triển thương hiệu chè xanh Cẩm Mỹ luôn được chị quan tâm, trăn trở để sản phẩm chè xanh Cẩm Mỹ có thể bước ra thị trường. Do đó, chị Cẩm Mỹ đã mạnh dạn đưa các giống chè mới, chất lượng cao như: chè Kim Tuyên, VN15... trồng thử nghiệm trên đất Thanh Sơn. Với quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh theo đúng quy trình sản xuất chè xanh thơm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nên sản phẩm chè xanh Cẩm Mỹ có chất lượng cao, giá bán dao động từ 250 đến 600 nghìn đồng/kg.
Cùng với sản phẩm chè Thanh Sơn, thịt chua Thanh Sơn cũng là những đặc sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường huyện Thanh Sơn, từ lâu, thịt chua đã trở thành đặc sản của người dân huyện miền núi này, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết... Tuy nhiên, trước đây, các hộ dân chủ yếu sản xuất thịt chua với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu của gia đình và phần nhỏ cung cấp cho thị trường trong huyện. Năm 2018, được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, các hộ dân có kinh nghiệm làm thịt chua đã liên kết thành lập HTX thịt chua Thanh Sơn với 9 thành viên.
Bà Hà Thị Ngọc Điệp - Phó Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn cho biết: Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi đã được giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch của tỉnh như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng,… và có mặt ở các siêu thị lớn: Vinmart, Coopmat, BigC cũng như cung ứng ra thị trường 25 tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, Hà Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu,… Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm. Năm 2020 doanh thu HTX đạt 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7-8 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Để đạt được mục tiêu đó, huyện Thanh Sơn xác định sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội với thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch. Đồng thời tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại như: Diễn đàn kết nối cung cầu; thực hiện kết nỗi trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản. Thông qua đó, góp phần kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các trung tâm thương mại và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các hoạt động kết nối các chương trình, tour tuyến du lịch để đưa khách đến thăm quan, mua sắm tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, nhà hàng, khách sạn và trải nghiệm thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP
Từ việc triển khai thực hiện chương trình, sẽ góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, hệ thống siêu thị, các phương tin thông tin truyền thông, các trang, các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội; hỗ trợ xây dựng hệ thống quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong huyện và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại ngoài huyện, đồng thời nâng cao năng lực bộ máy quản lý điều hành, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Trong những tháng cuối năm, Ban lanh đạo huyện Thanh Sơn tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền phải quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình để triển khai thực hiện hiệu quả và thường xuyên góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Sở Nông nghiệp hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm theo đúng quy định.
Nghi An