Huyện Yên Lập (Phú Thọ): Tập trung phát triển diện tích trồng bưởi, chè, nâng cao chất lượng

Từ đặc điểm đất đai, khí hậu và trình độ canh tác, huyện Yên Lập (Phú Thọ) tiếp tục xác định phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững là yếu tố đảm bảo thu nhập chủ yếu, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và hướng đến sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung phát triển, mở rộng diện tích trồng chè.

Huyện Yên Lập là một trong những địa phương có tổng diện tích chè sản xuất lớn trong toàn tỉnh. Với điều kiện thổ nhưỡng có nhiều thuận lợi, từ lâu, cây chè đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Lập xác định là cây hàng hóa chủ lực, hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện.

Yên Lập hiện có 1.499,21ha trồng chè với xấp xỉ 1.440ha chè đang cho sản phẩm, năng suất bình quân năm 2017 đạt trên 10,6 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 15.271 tấn. Trong đó có trên 1.160ha chè chất lượng cao (chiếm 78% trên tổng diện tích sản xuất), đạt các tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, Rainforest Alliance, UTZ… tập trung tại các xã: Phúc Khánh, Xuân Viên, Xuân Thủy, Hưng Long, Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Đồng Thịnh… Năm 2017, Yên Lập trồng mới trên 12,9ha chè sản xuất, thay thế một số diện tích chè lâu năm, chất lượng thấp bằng giống chè lai có năng suất, chất lượng cao như: PH11, LDP1, LDP2, chè Shan…

Nhiều năm trở lại đây, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp chế biến chè công suất khoảng 115 tấn/ngày trở lên và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công, với tổng công suất khoảng 60 tấn/ngày, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Xã Ngọc Lập, nơi có diện tích chè cho năng suất cao nhất nhì của huyện, qua trao đổi với ông Phùng Minh Phượng - Chủ tịch UBND xã được biết: Hiện Ngọc Lập có trên 208ha trồng chè thì có tới gần 200ha diện tích chè chất lượng cao. Năng suất bình quân năm 2017 của xã đạt 15 tấn/ha, với giá thu mua hiện nay là 4.200 đồng/kg, bình quân 1ha chè sẽ đem về thu nhập trên 60 triệu đồng cho mỗi hộ dân trong xã, cao hơn 4-5 lần so với trồng lúa và 2-3 lần so với một số loại cây trồng khác. Cây chè đã góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, nâng mức thu nhập bình quân chung cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 15,17%.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất chè theo hướng hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện khóa XVIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đề ra. Hiện nay, cây chè đã được huyện đưa vào sản xuất theo hướng thâm canh phát triển sản phẩm hàng hóa tập trung.

Tập trung phát triển giống bưởi, chè

Nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù còn nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Yên Lập đã nỗ lực đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực với 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lập lần thứ XXIII đề ra; thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 4.100 tỷ đồng với trên 500 công trình, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn. Thị trấn Yên Lập đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, huyện có 5/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, từ những bài học kinh nghiệm có được từ nhiệm kỳ trước, huyện Yên Lập đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp tích cực, có tính khả thi, hướng tới mục tiêu đưa huyện Yên Lập phát triển toàn diện, bền vững. Để tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới, Yên Lập tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng điểm trong phát triển kinh tế là “Phát triển kinh tế đồi rừng trọng tâm là phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả” và “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Từ đặc điểm đất đai, khí hậu và trình độ canh tác, huyện Yên Lập tiếp tục xác định phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững là yếu tố đảm bảo thu nhập chủ yếu, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và hướng đến sản xuất hàng hóa. Đến nay huyện đã từng bước hình thành 4 tiểu vùng kinh tế phù hợp với các loại cây trồng vật nuôi, trong đó lấy phát triển kinh tế đồi rừng là trọng tâm, tập trung vào phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả. Nhờ lợi thế thổ nhưỡng, huyện đẩy mạnh việc trồng và phát triển các loại cây dược liệu như quế, nghệ đỏ, đàn hương... tại vùng thượng huyện và hạ huyện.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quảng bá đặc sản nếp Gà gáy Mỹ Lung và mở rộng diện tích cây bưởi, cây chè, xây dựng thương hiệu lợn rừng lai, cây măng gầy Trung Sơn... Chủ trương của huyện là đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai gắn với thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các diện tích đất sau khi dồn đổi; từng bước tổ chức chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung quản lý sản phẩm khép kín từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ; khai thác diện tích mặt nước để phát triển thuỷ sản chất lượng cao; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Yên Lập là huyện đi đầu trong thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng phòng hộ, phòng, chống cháy rừng; trồng rừng mới hằng năm từ 1.200ha trở lên, trong đó phát triển, mở rộng diện tích chuyển hóa và trồng cây gỗ lớn trung bình 400ha/năm. Nhờ lợi thế về đồi rừng, Yên Lập đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như khai thác vật liệu xây dựng, chế biến chè, gỗ, tinh dầu quế, các ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn, hướng tới mục tiêu đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng 11,05%/năm.

Một vườn trồng chè ở huyện Yên Lập
Một vườn trồng chè ở huyện Yên Lập

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng điểm về đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Yên Lập đã huy động các nguồn vốn để đầu tư, phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên; tập trung hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở và các công trình, dự án trọng điểm. Trong đó đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Lương Sơn, thị trấn Yên Lập kết nối với khu công nghiệp Cẩm Khê đồng thời quy hoạch, xây dựng mới Cụm công nghiệp Đồng Lạc, Mỹ Lung nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp dệt may và chế biến nông lâm sản, dược liệu giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy hai cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập và Lương Sơn đạt 100%, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.

Cùng với đó, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư có tính kết nối liên vùng; mở mới tuyến đường đối ngoại kết nối trung tâm huyện với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC10 và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 70B, tuyến đường nối Chiến khu Phục Cổ (xã Minh Hòa) với Chiến khu Vạn Thắng (huyện Cẩm Khê); phát triển giao thông nông thôn để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và giao thương hàng hóa. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hoá đạt từ 65% trở lên; huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; có thêm 28 khu đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 khu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại và dịch vụ, huyện chủ động tập trung giải phóng mặt bằng, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, đưa vào hoạt động khu sinh thái dịch vụ tổng hợp Hồ thủy điện, khu vui chơi giải trí và trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp huyện Yên Lập. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng hóa của địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ. Cải tạo, nâng cấp một số chợ nông thôn, phát triển hệ thống bán lẻ ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Tiếp tục quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư, tạo điều kiện mời gọi các nhà đầu tư xây dựng một số dự án phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái thuộc quy hoạch phát triển du lịch phía Tây Nam Phú Thọ như: Khu di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Tôn Sơn, Mộ Xuân - xã Xuân An, hướng tới phát triển du lịch sinh thái hồ Ngòi Giành sau khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác để kết nối với mạng lưới du lịch chung toàn tỉnh. Khuyến khích các làng nghề ở nông thôn phát triển nghề truyền thống; gắn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với dịch vụ nhằm thu hút, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương, nâng tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ, thương mại đạt 7,35% trở lên.

Với truyền thống quê hương anh hùng, tiếp nối những thành tích đã đạt được, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Lập tiếp tục đoàn kết, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá mới trong thực hiện hai nhiệm vụ trọng điểm trong phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng huyện Yên Lập phát triển toàn diện, bền vững.

Thanh Hà