Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng trong giai đoạn tới, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như phục hồi nguồn cung bất động sản; Giải quyết các nút thắt trong đầu tư công sẽ được triển khai vào nửa cuối 2021 và đầu năm 2022.
Phục hồi của thị trường BĐS nhà ở: Tính đến quý 3/2021, nguồn cung tiếp tục phục hồi chậm do dịch bệnh COVID-19. Tại TP.HCM, theo CBRE, số lượng căn bán 9 tháng đầu năm ghi nhận 8,965 căn, giảm 17% do nguồn cung sụt giảm. Tại Hà Nội, do giãn cách làm ảnh hưởng tới tiến độ tiếp thị và bàn giao nhà, lượng căn hộ bán được trong 9 tháng đầu năm đạt 10,981 căn, giảm 1%. Tuy nhiên, KBSV kỳ vọng thị trường Bất động sản sẽ phục hồi từ quý 4/2021 dựa trên các lý do sau:
Thứ nhất, nguồn cung dồn nén sau dịch bật lên sau khoảng thời gian dài giãn cách. Theo CBRE dự báo, năm 2022, tại Hà Nội nguồn cung mới và số căn nhà bán được dự báo tăng lần lượt ở mức 42% và 44%, đạt khoảng 25 nghìn và 26 nghìn căn hộ. Trong khi tại Tp.HCM, trên mức nền thấp 2021, nguồn cung mới và số căn nhà bán ước tính lần lượt tăng 64% và 67%, đạt khoảng 23 nghìn và 20 nghìn căn hộ vào năm 2022.
Thứ hai, môi trường lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu vay vốn mua nhà hoặc đầu tư BĐS. Trong nửa cuối 2021 và 2022, dự báo mặt bằng lãi suất Việt Nam và thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng, tạo điều kiện cho hoạt động cho vay BĐS.
Các nút thắt trong đầu tư công sẽ được triển khai vào nửa cuối 2021 và 2022: Tổng giải ngân vốn đầu tư công cả nước lỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 mới chủ đạt 36.8% tổng kế hoạch, tăng 10.2% so với cùng kỳ. Tốc độ giải ngân vốn chậm được giải thích bởi một số lý do chính sau (i) Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án; (ii) Các khâu thiết kế, tính toán kế hoạch không sát thực tế nên mất thời gian hiệu chỉnh, đặc biệt trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng leo thang; (iii) Giải phóng mặt bằng vẫn còn tồn đọng vướng mắc, thủ tục pháp lý khắt khe. Theo đó, chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy tiến độ như đáp ứng nguồn cung nguyên vật liệu, đẩy nhanh quá trình thanh toán, nghiệm thu, quyết toán, điều chuyển chủ đầu tư với dự án chậm giải ngân.
Dưới áp lực của dịch COVID-19 tác động lên tăng trưởng kinh tế, KBSV tin rằng giá trị giải ngân đầu tư công sẽ có sự cải thiện rõ rệt đáng kể trong cuối năm 2021 và 2022 nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng. Dự kiến tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 là 2.87 triệu tỷ đồng. Số vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210.4 tỷ đồng, cao gấp 2.4 lần trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trong báo cáo mới được cập nhật đối với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, đại dịch COVID gây cản trở quá trình thi công, gây áp lực lớn lên doanh thu và tỷ suất lợi nhuận Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD – sàn HOSE) tại quý II và quý III/2021. Tuy nhiên theo thông tin từ ban lãnh đạo thì giá trị hợp đồng kí mới trong 9 tháng 2021 đạt khoảng 18,000 tỷ VND, cao hơn kì vọng. Lượng hợp đồng kí mới cao tạo động lực phục hồi về doanh thu cho CTD trong giai đoạn tới.
Bước đầu chuyển hướng sang xây dựng cơ sở hạ tầng. CTD đang từng bước tiến vào ngành xây dựng cơ sở hạ tầng. KBSV đánh giá cao hướng đi này bởi ngành xây dựng hạ tầng hưởng lợi lớn từ việc đẩy mạnh đầu tư công.
Cũng theo KBSV, nền tảng tài chính vững mạnh, định giá hấp dẫn. CTD hiện đang được giao dịch với P/B đạt 0.73x, thấp hơn so với trung bình ngành cũng như lịch sử P/B của CTD. Với nền tảng tài chính tốt, lượng tiền mặt lớn và không có nợ vay cùng vị thế đầu ngành, KBSV cho rằng CTD xứng đáng được giao dịch ở mức định giá cao hơn.
Các chuyên gia của KBSV khuyến nghị mua, giá mục tiêu 114.700 đồng/CP đối với CTD với triển vọng phục hồi từ mức nền thấp với giá trị hợp đồng kí mới khả quan và vị thế đầu ngành.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/12, cổ phiếu CTD giảm 1,16% xuống còn 77.000 đồng/cổ phiếu.