Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Hiện nay, hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam hiện có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và 10 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn đạt xuất siêu và ngày càng tăng kể cả trong những giai đoạn khó khăn, góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.
Thành quả đó có sự đóng góp tích cực từ các kiều bào, bởi mỗi người đều trở thành kênh phân phối quan trọng đưa nông sản Việt đi khắp bốn phương. Không những vậy, đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức quý báu, khi họ đã chia sẻ và đưa những công nghệ mới vào sản xuất. Điển hình như như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp.
Trân trọng và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ bà con kiều bào, tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp" diễn ra mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn bà con kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo chương trình quốc gia "Mỗi phường xã một sản phẩm" của Việt Nam.
"Chúng tôi hướng về hàng triệu kiều bào ở khắp thế giới. Đó là các nguồn lực đầu tư, nguồn lực thương mại, nguồn lực trí thức, kết nối cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa nông sản ra thế giới. Bà con Việt kiều chính là những người người dẫn dắt dòng nông sản đi khắp thế giới và đưa tri thức nông nghiệp mới trở về đất nước chúng ta", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ngành NN&PTNT cũng mong muốn bà con là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững, thành trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Từ đó, sẽ giúp đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện các mục tiêu Chính phủ đã đề ra, đó là xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh.
Thực tế, giá trị sản lượng cũng như xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam hiện được cho vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nguồn lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước. Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là nhân tố xúc tác, cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, bao gồm cả nông nghiệp và nông sản.
Bởi thế, theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam. Đó là điều kiện rất tốt để Việt Nam đưa nông sản sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Bà con Việt kiều chính là cầu nối, kết nối, thổi hồn những giá trị văn hóa của người Việt vào trong các sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tình cảm quê hương mà cả những người sản xuất trong nước cũng như Việt kiều trên các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nông sản rất có giá trị của Việt Nam.
Bảo An