Kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tich cực

Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8 đạt 43,93% kế hoạch và đạt 49,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, vốn trong nước đạt 46,7% kế hoạch và vốn nước ngoài đạt 21,96% kế hoạch.

Thông tin từ Bộ Tài chính, tỉ lệ đã giải ngân 8 tháng và ước tính giải ngân 9 tháng đầu năm so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm.

Cụ thể, kết quả cho thấy, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8 đạt 43,93% kế hoạch và đạt 49,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, vốn trong nước đạt 46,7% kế hoạch và vốn nước ngoài đạt 21,96% kế hoạch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9 là đạt 50,27% kế hoạch và đạt 57,15% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỉ lệ giải ngân đến ngày 30/9 đạt trên 60%.

Trong đó, 6 Bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 70% gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (95,32%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (87,67%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (73,49%), Thông tấn xã Việt Nam (70,06%); Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%), Hà Nam (71,15%), Tiền Giang (70,96%), Phú Yên (70,85%). 

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy còn 11 Bộ, cơ quan trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020.

Qua công tác kiểm tra, các đoàn công tác đã tổng hợp một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, về cơ chế chính sách vẫn còn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Nghị định 56 về quản lí và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25/5 có nhiều qui định thay đổi, đặc biệt qui trình điều chỉnh hiệp định vay nên các Bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Tác động của đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. 

Trong đó một số các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, hoạt động giải ngân.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chủ quan như: năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lí dự án, tư vấn giám sát…. ở cơ sở còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; chủ đầu tư chậm trễ trong việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt thiết kế kĩ thuật và dự toán công trình, dự án; chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, kí kết hợp đồng,...

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các Bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân đến ngày 30/9 dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020.

Huy Đức