Tới dự lễ khai giảng có sự hiện diện của các ông/bà: Ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Chè Lâm Đồng; bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam, Giám đốc Học viện Tea Masters; ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam; bà Nguyễn Tố Oanh - Giám đốc Trung tâm trưng bày sản phẩm Tây Nguyên và các giám đốc công ty Trà Thiên Thành, Trà Phước Lâm Anh, Công ty Du lịch Tây Nguyên cùng đông đảo các giảng viên, học viên yêu trà.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Chè Lâm Đồng cho biết: Việc pha trà phải được học bài bản, người pha trà giỏi phải được tôn vinh, được tuyển chọn ở từng cấp và được Hiệp hội và Nhà nước tôn vinh là nghệ nhân. Sự kiện khai giảng lớp học cơ bản về trà là việc làm mà Chi hội Chè Lâm Đồng luôn mong đợi. Bảo Lộc xứ trà sẽ có đội ngũ nghệ nhân trong tương lai, làm cho hương vị chè của Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam, Giám đốc Học viện Tea Masters chia sẻ: Lâm Đồng là một trong những xứ sở tốt nhất về trà, đây đã từng là tỉnh có nhiều trà nhất cả nước. Chương trình học của Tea Masters không những học về trà mà khi đến đây, học viên sẽ học những kiến thức cơ bản nhất về chè thế giới, về ngành chè Việt Nam, các giống chè Việt Nam, cách chế biến đơn giản nhất của 6 loại trà hiện tại trên thế giới.
Học viện sẽ đào tạo khóa học khoảng 1, 5 ngày hoặc lâu hơn, sau đó học viên có thể tham gia vào cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam. Thông qua cuộc thi này, học viên sẽ có thời gian được cọ xát với các Marters khác trong cả nước, sau khi kết thúc cuộc thi, nhiều học viên tìm được công việc mới phù hợp. Đặc biệt, người vô địch của Tea Masters trong nước sẽ đại diện cho Việt Nam đi thi Tea Masters Cup nước ngoài.
Được biết, lớp học cơ bản đầu tiên về trà tại Lâm Đồng có 21 học viên tham gia, đặc biệt học viên nhiều tuổi nhất là 65 tuổi, học viên nhỏ tuổi nhất là 16 tuổi. Các học viên đều hào hứng và thảo luận sôi nổi trong buổi học đầu tiên này.
Theo đại diện Ban tổ chức, lớp học chia làm ba buổi:
Chiều ngày 10/3: Khóa học tìm hiểu về lịch sử của ngành trà, các vùng tà của Việt Nam và trên thế giới, tính năng, tác dụng của trà đối với sức khỏe. Buổi học do ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam giảng dạy;
Sáng ngày 11/3: Khóa học về thử nếm. Buổi học do ông Hoàng Vĩnh Long và bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam, Giám đốc Học viện Tea Masters giảng dạy;
Chiều ngày 11/3: Pha trà, thử nghiệm. Cuối buổi, các học viên sẽ thử nếm những sản phẩm trà đã được học và phân biệt.
Về cơ bản, khóa học mang tính chất trang trải cho học viên những kiến thức về trà, cách thử nếm và pha trà. Từ đó, học viên sẽ là các đại diện của ngành chè để đi lan tỏa hơn nữa tình yêu chè cũng như mong muốn nhiều người uống chè hơn, bà Ánh Hồng cho biết thêm.
Đến với học viện Tea Masters Việt Nam, học viên được các chuyên gia đã và đang công tác trong các lĩnh vực về Chè hướng dẫn và chia sẻ cách nhận biết phân biệt các sản phẩm Trà của Việt Nam từ khâu chăm sóc, chế biến ra sản phẩm tiêu dùng. Đặc biệt còn được các chuyên gia chia sẻ về xu hướng tiêu dùng Trà hiện nay.
Ông Hoàng Vĩnh Long cho hay, để trở thành một người nếm trà chuyên nghiệp, ngoài có năng khiếu, những kiến thức cơ bản thì chúng ta cần có thời gian tối thiểu một và tháng và đòi hỏi sự đam mê.
Đại diện Ban tổ chức Trà Hoa Quán chia sẻ: Khóa học mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp chuyên về kinh doanh, sản xuất chè, người muốn tìm hiểu và nghiên cứu về trà, những người yêu thích trà… có kiến thức cơ bản, có khả năng nhận biết và phân biệt một số loại trà, cũng như kỹ năng giao tiếp, sự tự tin khi pha trà, biểu diễn trước đông người, tham gia các cuộc thi về trà… trên cơ sở nắm vững kiến thức để tham gia các khóa học chuyên sâu.
Một số hình ảnh tại buổi học đầu tiên của khóa học:
V.Anh