Tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, xây dựng văn hoá kinh doanh là đòi hỏi tất yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Thực tế đã chứng minh nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đã tạo dựng thành công và biến văn hóa kinh doanh trở thành sức mạnh mềm. Góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra mạnh mẽ, việc hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng như một chiều cạnh của sự phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính văn hoá kinh doanh tạo nên hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp Việt. Cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm là cần thiết và tất yếu, nhưng cùng với đó, việc tạo dựng văn hóa kinh doanh bản sắc Việt Nam cũng là một xu thế vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển.
Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá đây là một vấn đề hết sức thực tiễn, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với quốc tế trên mọi lĩnh vực, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của tất cả các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn, nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh, cải thiện mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh đối với sự phát triển của một đất nước là vô cùng lớn. Văn hóa kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những điểm còn khoảng trống về pháp luật. Văn hóa kinh doanh cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và nhà nước.
Người lao động là một chủ thể quan trọng trong văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa tổ chức nói riêng. Do đó, với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững".
Là một thành viên của Liên minh Doanh nghiệp có Trách nhiệm (RBA), Samsung Việt Nam luôn ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động cho cả nhân viên của Samsung và người lao động tại các công ty đối tác của chúng tôi. Các giá trị cốt lõi của Samsung như "Con người", "Vươn tới đỉnh cao", "Thay đổi", "Tính liêm chính" và "Cùng thịnh vượng" được thấm nhuần ở tất cả các cấp quản lý và nhân viên của Samsung. Chất lượng tổ chức được đánh giá định kỳ thông qua chỉ số Văn hóa Samsung, với sự tham gia của tất cả các cấp quản lý và nhân viên. Quy trình này giúp chúng tôi xác định điểm mạnh và điểm yếu trong văn hóa tổ chức của mình, tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi. Samsung đang không ngừng nỗ lực để đảm bảo rằng nhân viên và người lao động có thể làm việc trong một môi trường làm việc an toàn và tốt nhất, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội".
“Trong những năm gần đây, Diễn đàn Đa phương đã trở thành một nền tảng để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, đối thoại xây dựng, và thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các bên liên quan về sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi cam kết nuôi dưỡng những nỗ lực hợp tác này vì sự thịnh vượng chung của tất cả chúng ta”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ.
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh: "Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát huy vai trò của người lao động, tổ chức công đoàn tham gia tích cực, hiệu quả thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững".
Tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên một nghiên cứu đương đại về "Nhận diện Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh" sẽ được giới thiệu. Nghiên cứu nhận được sự góp ý chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trên cơ sở khảo sát và vận dụng các tiếp cận và kết quả của các nghiên cứu Quốc tế vào điều kiện của Việt Nam.
Kết quả của nghiên cứu hy vọng sẽ không chỉ đem lại những góc nhìn mới cho các nhà quản lý, nhà hoạch định trong thúc đẩy văn hóa kinh doanh có bản sắc, hiện đại, và mang tính thích ứng cao, mà còn hữu ích cho các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn và người lao động trong thực tiễn quản trị các mục tiêu của doanh nghiệp thông qua hoàn thiện văn hóa tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.
Tiến Hoàng