Theo Sở NN và PTNT tỉnh Phú Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 ha chè, năng suất chè đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm; tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%, trong đó, cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh.
Cây chè đã được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và trở thành cây trồng chủ lực giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của tỉnh.
Đạt được kết quả đó, thời gian qua tỉnh đã triển khai đồng bộ, tích cực chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa năng xuất chất lượng chè tăng cao. Nhiều giống chè mới như LPD1, LPD2, PH11, Phúc Vân tiên, Bát tiên, Kim tuyên đã được nhận rộng. Từ đó đã giúp tăng tỷ lệ chè giống mới từ trên 30% năm 2011 lên trên 70% hiện nay.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã áp dụng kỹ thuật thâm canh, biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiên tiến, nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, xây dựng được hàng trăm cơ sở, câu lạc bộ sản xuất chè an toàn.
Nếu như năm 2011 năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 83,89 tạ, đến nay tăng lên 10,1 tấn/ha; trong đó, nhiều diện tích do các công ty chè quản lý được đầu tư thâm canh cho năng suất đạt tới 15-18 tấn/ha; đưa sản lượng chè búp sản lượng chè búp tươi đạt 154,7 nghìn tấn, tăng 19% so với mục tiêu (130 - 135 nghìn tấn).
Tuy nhiên hiện nay, ngành chè của tỉnh Phú Thọ vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, tồn tại như năng suất vùng chè của người dân còn thấp, việc lạm dụng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật còn khá phổ biến, sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chưa xây dựng thương hiệu, chưa xuất khẩu được chè thành phẩm; việc mở rộng diện tích chè áp dụng sản xuất an toàn còn chậm đặc biệt đối với diện tích do hộ nông dân quản lý… Đây là những tồn tại và khó khăn mà ngành chè của tỉnh Phú Thọ đang gặp phải.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến chè còn thường xuyên gặp khó khăn vấn đề về nguồn nguyên liệu đầu vào, vì phần lớn các cơ sở chế biến hiện nay không có vùng nguyên liệu trồng theo quy hoạch chè an toàn hoặc có nhưng không đủ sản xuất nên nguyên liệu thiếu, không đáp ứng được công suất dẫn tới tình trạng thu mua nguyên liệu ở ngoài vùng quy hoạch và ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… do đó nguyên liệu không đạt yêu cầu về chất lượng.
Bên cạnh một số nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất thì vẫn còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ, thiết bị lạc hậu tạo ra sản phẩm chè có chất lượng thấp chưa đáp ứng được vấn đề về an toàn thực phẩm nên chất lượng và giá bán sản phẩm chè thành phẩm chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp chưa tương xứng với tiềm năng là ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu, khiến lượng chè tồn kho của Phú Thọ tăng cao.
Nhu cầu nhập chè khô của các nước giảm, giá chè xuất khẩu giảm khoảng 10%, giá vật tư phục vụ sản xuất tăng 10 - 15%, giá vận chuyển (thuê container, vận chuyển tàu biển) có thời điểm cao gấp 7 - 10 lần. Dù sản phẩm chè tồn kho lớn nhưng nhiều công ty vẫn phải duy trì sản xuất, bảo đảm bao tiêu chè búp tươi đã ký kết với người dân.
Việc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng gặp khó khăn do thiếu lao động và chi phí vận chuyển xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, đơn hàng xuất khẩu giảm dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì và vốn do tồn đọng hàng hóa…
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm chè gặp khó khăn, tỉnh Phú Thọ đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành, thị, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Đồng thời làm việc với các nhà đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến tổng hợp tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức phong phú như: Giới thiệu sản phẩm qua các kênh hội chợ trong và ngoài nước; đăng thông tin trên các cơ quan thông tin đại chúng.
Đến nay, nhiều nông sản thực phẩm của tỉnh được các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến với người tiêu dùng.
Đồng thời, tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng xây dựng liên kết chuỗi, có định hướng cụ thể trong sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và trên 100 cửa hàng Vinmart+, cửa hàng tiện ích, có quy mô từ 100 - 500m2 đang hoạt động ổn định; 20.000 trang trại và hộ gia đình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản. Hiện đã có gần 60 sản phẩm nông sản, thực phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như rau, củ, quả; các loại bánh đã qua chế biến; thịt các loại; chè và các loại dầu ép ra từ nông sản.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Các chủ thể sản xuất được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh (giaothương.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn).
Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng vào nhãn mác, bao bì sản phẩm.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, ứng dụng phần mềm truy xuất trong tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về lợi ích của việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhận thức được vai trò của thương mại điện tử trong nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã tích cực quảng bá sản phẩm trên website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể đặt mua hàng trực tuyến.
Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp kết nối, xúc tiến thương mại được tiến hành quyết liệt, tỉnh Phú Thọ đã và đang hỗ trợ và tạo điều kiện tiêu thụ nông sản sản xuất trên địa bàn, đảm bảo đời sống cho bà con nông dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.