Gia đình của anh Đặng Quang Chẩn (SN 1990) – Chủ cơ sở cây giống An Phát, thôn Hiền An - Bến Củi, xã Phong Xuân trước giờ là gia đình thuần nông, sản xuất chủ yếu là cây lúa, cây sắn và cây lạc. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây do biến đổi khí hậu nên ảnh hưởng đến hiệu quả về kinh tế. Sau khi phát triển cây tràm dược liệu, anh Chẩn thấy hiệu quả mang lại rất là cao, khắc phục được những tác hại của biến đổi khí hậu như hạn hán và lũ lụt.
Từ 3 năm, anh Chẩn qua đã mạnh dạn tìm tòi, phát triển cây tràm dược liệu. Trước đây do nguồn cây giống dần trở nên khan hiếm, anh Chẩn đã xây dựng vườn ươm để chủ động được nguồn giống. Từ mô hình nhỏ lẻ ban đầu, nay vườn ươm của anh Chẩn đã mở rộng lên gần 1 hecta, cung cấp 300 ngàn cây giống trong một năm. Với số lượng cây giống này, anh Đặng Quang Chẩn không chỉ cung cấp đủ số lượng cây trồng cho gia đình mà còn cung cấp cho nhiều vùng trồng tràm dược liệu trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.
Anh Đặng Quang Chẩn tâm sự: “Mô hình trồng cây tràm dược liệu này, khi bà con trồng thì sẽ hạn chế rất nhiều việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc trừ cỏ ảnh hưởng độc hại đến sức khỏe của bà con. Giờ đây khi nhìn ra những cánh đồng bát ngát màu xanh của cây tràm dược liệu, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vui mừng vì đã đi đúng mong muốn của mình để tăng sức khỏe cho người nông dân cũng như người sử dụng tinh dầu tràm của quê hương”.
Vườm ươm cây giống tràm dược liệu của anh Chẩn ngay từ khi ra đời đã đáp ứng đúng nhu cầu cây giống của bà con. Từ nguồn cây giống đảm bảo chất lượng này, chỉ sau 3 năm, người trồng tràm dược liệu đã có thể thu hoạch với thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng keo. Điều này cho thấy hướng đi đầy khả quan của quá trình chuyển đổi cây trồng trên vùng đất gò đồi Phong Xuân.
Sau khi bà con trồng, tôi thấy hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Thêm một vấn đề trăn trở là đầu ra của cây tràm dược liệu. Vì vậy, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư một hệ thống chưng cất tinh dầu với mong muốn sẽ thu mua nguyên liệu cho bà con để bà con gặp thuận lợi hơn khi sản xuất cây tràm dược liệu, anh Chẩn thông tin thêm.
Vừa đầu tư vườn ươm cây giống để cung cấp đầu vào, vừa đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu tràm để tiếp nhận đầu ra của cây tràm dược liệu, cơ sở cây giống An Phát đang dần phát triển trở thành một mô hình chuỗi cung ứng – tiêu thụ. Không những thế, người chủ trẻ của cơ sở này còn mong muốn mở rộng quy mô của mô hình để tạo thành dây chuyền kết nối nhiều nông hộ.
Anh Đặng Quang Chẩn phấn đấu trong thời gian tới: “Sắp tới tôi cùng liên kết các hộ dân trên địa bàn để thành lập một hợp tác xã dược liệu để cung ứng và bao tiêu các sản phẩm tinh dầu tràm”.
Chị Hoàng Thị Lệ Hằng-Bí thư huyện đoàn Phong Điền chia sẻ: “Để giúp đoàn viên,thanh niên khai thác tốt tiềm năng trong phát triển kinh tế ở địa phương, Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên, giải ngân vốn vay ưu đãi, thành lập các câu lạc bộ (CLB) nhằm giúp nhau phát triển kinh tế. Các CLB này là nơi để các bạn trẻ chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh,…Thời gian qua, mô hình các CLB thanh niên phát triển kinh tế đã có nhiều hoạt động thiết thực. Mô hình khởi nghiệp xanh của anh Đặng Quang Chẩn ở Phong Xuân là mô hình điển hình thanh niên lập nghiệp thành công trên quê hương mình. Mô hình khá khởi sắc”.
Từ 3 năm nay, mô hình trồng cây tràm dược liệu của các hộ dân ở xã Phong Xuân đang khẳng định tính hiệu quả của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi theo hướng đa cây do huyện Phong Điền đề ra. Trong đó, cơ sở cây giống An Phát của anh Đặng Quang Chẩn là một trong những ví dụ về khởi nghiệp xanh thành công nhờ phát huy thế mạnh của vùng đất quê hương./.
Xuân Trường