Hàm Hòa "khát nước sạch" và nỗi lo tác hại của nước nhiễm phèn
Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng từ lâu đã là vấn đề nhức nhối, một hồi chuông báo động trên phạm vi toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, nước nhiễm phèn là một nỗi lo đầy ám ảnh đối với người dân, khi mà nước luôn đóng một vai trò cực kì quan trọng trong đời sống con người.
Nước nhiễm phèn là một loại nước bị ô nhiễm, có hàm lượng Fe và Mn cao, tồn tại dưới dạng Fe2+ và Mn2+. Các ion Fe2+ và Mn2+ này khi tiếp xúc với không khí hình thành các kết tủa làm cho nước có màu vàng đục, mắt thường có thể quan sát được.
Nước nhiễm phèn thường có vị hơi chua, hàm lượng phèn càng nhiều thì nước sẽ càng có mùi tanh khó chịu. Sử dụng nước nhiễm phèn trong sinh hoạt hàng ngày không chỉ khiến đồ đạc ố bẩn, hư hỏng mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Đối với các đồ gia dụng, quần áo thường xuyên tiếp xúc với nước nhiễm phèn sẽ bị ố vàng, khô ráp và mục vải. Chúng đóng cặn và ăn mòn tất cả các dụng cụ đựng nước và dẫn nước. Khi nước phèn tiếp xúc với cây trồng, nó có thể gây ra xâu bệnh và giết chết cây trồng, đặt biệt là các loại cây hoa màu.
Đối với thực phẩm, nước nhiễm phèn gây biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị, loại nước này nếu dùng để pha trà sẽ làm mất hương vị của trà, nếu dùng để nấu cơm sẽ làm cho cơm có màu xám.
Nghiêm trọng nhất chính là tác hại của nước nhiễm phèn đối với sức khỏe con người. Nếu dùng để sinh hoạt và ăn uống sẽ làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu, làm khô da, phồng, tróc vảy và gây các bệnh về đường ruột, nôn mửa, loét dạ dày, thậm chí ung thư. Khi tiếp xúc với một mức độ vừa đủ có thể ảnh hưởng đến máu, gây rối loạn cân bằng ion trong máu. Khi bạn hít phải nước phèn quá nhiều, nhôm trong phèn sẽ tấn công các mô phổi, gây ra các vấn đề như khó thở hoặc đau ngực. Nhôm Sumfat trong nước phèn có thể gây thoái hóa mô hệ thần kinh. Việc tiếp xúc với nhôm quá nhiều có thể gây viêm màng não hoặc bệnh Alzheimer.
Người dân ở thôn Hàm Hòa bao đời nay vẫn dùng nước mưa và nước bình để uống "nước sạch", họ luôn ấp ủ sớm một ngày thoát nghịch cảnh này..!
Chờ nguồn vốn
Mặc dù đã về đích nông thôn mới tại xã Hàm Ninh, nhưng tiêu chí nguồn nước sạch cho người dân ở thôn Hàm Hòa đến nay vẫn đang lên kế hoạch và chờ nguồn kính phí khoảng 2 tỷ đồng cho dự án này.
Theo ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 của huyện, chi cho hệ thống nước sạch là 2 tỷ đồng để chuẩn bị thi công đảm bảo nước sạch cho nông thôn mới tại xã Hàm Ninh, trong đó có thôn Hàm Hòa là 270 hộ. Đến thời điểm này công tác đầu tư của huyện nguồn vốn rất khó khăn. Nguồn thu địa phương chủ yếu là bất động sản, quỹ đất hiện nay đang đứng; cấp xã không có ngân sách đầu tư nước sạch nên phải chờ đầu tư của huyện”.
Trước đó, UBND xã Hàm Ninh để được công nhận xã NTM nâng cao, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong đó lấy dân làm vai trò chủ thể, khi mà khí thế của người dân được nâng cao, xã triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn theo chuẩn mới. Đến nay, Hàm Ninh đã hoàn thành các tuyến đường với chiều dài trên 7.600m, ngân sách huyện đã chi 3,8 tỷ đồng.
Đường bê tông hoàn thành góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, tạo nên diện mạo mới, cư dân sống ven các tuyến đường vô cùng vui tươi, tuyến đường nào cũng mắc bóng đèn điện chiếu sáng cả đêm, có tuyến bà con mua ghế xi măng để ngồi nghĩ ngơi, đàm luận, tâm tư sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, rồi trồng hoa ven đường; các trục đường đều thoáng, xanh, sạch, đẹp người dân đi lại thuận tiện, an toàn giao thông, an ninh trật tự ở Hàm Ninh luôn được giữ vững. Tất cả các tuyến thi công theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó Nhân dân đầu tư 50% tổng số tiền, UBND xã Hàm Ninh đầu tư 25%, 25% còn lại là của huyện, ông Hưng cho biết./.
Bùi Quốc Dũng