Kích cầu tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để tiêu thụ nông sản.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu, là kênh quảng bá sản phẩm, kéo các khách hàng về với vùng miền. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt nông dân, hợp tác xã tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.

Kích cầu tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử  - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử đã và đang giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí đi hội chợ, kết nối trực tiếp. Này càng nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), khoai lang Nhật của tỉnh Vĩnh Long, mận Tam Hoa Bắc Hà, bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn ... hiện đang được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử có uy tín, cho thấy sàn thương mại điện tử đã và đang thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Nhờ nhanh nhạy tìm đến các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội mà hợp tác xã sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông (Tiền Giang) đã thành công với sản phẩm mứt sơ ri. Ông Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc hợp tác xã sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông cho biết, sản phẩm mứt sơ ri đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận nên doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.

Cũng theo ông Thế, thời gian đầu, hợp tác xã chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hợp tác xã đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, hợp tác xã còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người biết đến, không chỉ ở khu vực miền Nam mà ngay cả các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc.

Kích cầu tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử  - Ảnh 2

Chị Hà, đơn vị sản xuất và kinh mật ong bạc hà Hà Giang cho biết: "Ngoài việc bán hàng tại các kênh truyền thống, những năm gần đây tôi chủ động tham gia bán hàng qua mạng xã hội. Việc này giúp tôi chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng xã hội yêu cầu mình phải tự làm thêm các khâu tuyển chọn, đóng gói và giao hàng. Cùng với đó, chất lượng nông sản cũng phải được đảm bảo gần như tuyệt đối để đảm bảo uy tín của cửa hàng".

Với sàn thương mại điện tử, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên kênh thương mại điện tử đang dần tạo ra thói quen tiêu dùng mới.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa phải là nhiều.

Cũng theo TS Mạc Quốc Anh, các sàn thương mại điện tử là kênh phân phối mới nhiều ưu điểm và hiệu quả, có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Để phát triển thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiệu quả nhất phải kể đến việc Bộ phối hợp với UBND các tỉnh, TP tổ chức nhiều hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Những hội nghị này đều có tham gia của các sàn TMĐT lớn như: Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada và đối tác chuyển phát như VNPost, Viettel Post... đã hỗ trợ hàng nghìn lượt DN tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên TMĐT.

Thông qua các sự kiên trên, nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu như vải thiều, nhãn lồng, bưởi, na, dừa… cùng những mặt hàng thực phẩm đặc sản như: Nước mắm, mật ong, cà phê... được quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước và đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông trực tuyến cho Cuộc vận động, hỗ trợ DN Việt phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hình ảnh của DN Việt trên môi trường trực tuyến thông qua Cổng thông tin về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (www.tuhaoviet.vn).

Bộ cũng tiếp tục triển khai những chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác, sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như: Amazon, Alibaba, JD, Sea Group… để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Thông qua các chương trình hợp tác này, sản phẩm đặc sản Việt Nam do DN sản xuất có thể xuất khẩu qua TMĐT thông qua hình thức B2B, B2B2C đến với thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.