Cụ thể, nhóm hàng nông lâm thuỷ sản tăng 19,5%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng hơn 30%, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tăng 21%; xơ sợi dệt các loại tăng 21%, hàng hoá khác tăng 23%...
Đối với xuất khẩu ngành dệt may, những tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển khá tốt nhờ thị trường tiêu thụ phục hồi tích cực sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp đẩy mạnh ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đối tác nước ngoài và năng lực tăng thêm của các dự án mới, như Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina, nhà máy sợi của Công ty CP Sợi Phú Bài, Công ty CP Vinatex Phú Hưng, Công ty Scavi tại Khu công nghiệp Phong Điền… đã góp phần thúc đẩy ngành dệt may đạt tăng trưởng khá.
Về thị trường xuất khẩu, Hồng Kông là thị trường xuất khẩu chủ yếu, chiếm 38,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, với các mặt hàng như sản phẩm may mặc, đồ chơi trẻ em…; thị trường Hàn Quốc chiếm 12,7%, Trung Quốc chiếm 8,8%, Nhật Bản chiếm 7,3%; thị trường các nước ASEAN là 6,8%... với các sản phẩm may mặc, xơ sợi dệt, nguyên liệu sản xuất nến.... Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chiếm tỷ lệ thấp với khoảng 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đại diện Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình suy thoái kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2023; xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế các nước. Theo đó, dự báo thời gian tới thị trường xuất khẩu Việt Nam nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng sẽ bị ảnh hưởng.