Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Việt Nam ta đang đứng trước những áp lực của sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên, gia tăng phế thải và biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng tài nguyên (giảm chi phí sử dụng nước, tái sử dụng chất thải, xử lý biogas giúp giảm chi phí nhiên liệu,…). Nhận thức được xu thế này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách thực hiện kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng.
Hiện nay nhiều địa phương và trang trại đã tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, dù ở quy mô lớn hay nhỏ. Những mô hình này cho thấy tiềm năng to lớn trong việc tái sử dụng phụ phẩm và chất thải, vừa bảo vệ môi trường vừa gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Ở nhiều tỉnh như Tiền Giang và An Giang, thay vì đốt bỏ rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân đã tận dụng rơm làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ. Rơm rạ cũng được dùng để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi hoặc trồng nấm rơm - một cách biến phụ phẩm thành sản phẩm thương mại có giá trị cao. Thực tế cho thấy, lượng rơm rạ từ một ha trông lúa có thể tạo ra được 200m mô nấm và sau khi trồng nấm từ 25-30 ngày có tể thu được 250-300kg nấm tươi. Với giá bán từ 25.000-27.000đ/kg nấm tươi, một ha trong mô hình này, ngoài tiền lúa nông dân có thể thu được 6 triệu - 8 triệu đồng.
Nhiều trang trại chăn nuôi ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên đã áp dụng hệ thống biogas để chuyển hóa chất thải động vật thành khí đốt. Khí sinh học này được sử dụng làm nhiên liệu trong sinh hoạt và sản xuất, giúp giảm thiểu chi phí năng lượng và ô nhiễm môi trường. Phần bã thải sau khi sản xuất biogas còn có thể dùng làm phân bón cho cây trồng, khép kín chu trình tuần hoàn.
Tại Tây Nguyên, bã cà phê - một phụ phẩm từ quá trình chế biến hạt cà phê được các nhà máy sử dụng làm nguyên liệu đốt sinh khối, cung cấp năng lượng cho quá trình sản xuất. Tương tự, ở các nhà máy đường tại Long An và Tây Ninh, bã mía được tái sử dụng để sản xuất điện năng, phục vụ nội bộ hoặc bán cho lưới điện quốc gia. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Đặc biệt, với mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa đã được Công ty Vinamilk áp dụng để phát triển tran trại bò thân thiện với môi trường. Trong mô hình này, Vinamilk đã xây dựng và vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế (Global GAP) và tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu (EU Organic. Vinamilk đã thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải. Nhờ công nghệ biogas, chất thải gia súc được xử lý để tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất và một phần khác đượ biến thành khí metan dùng để đun nước nóng cho hoạt động của trang trại.
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu cho nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Việc tận dụng phế phẩm không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của các bên liên quan: từ nông dân, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Với những bước đi đúng đắn, kinh tế tuần hoàn hứa hẹn sẽ trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.