Kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán sẽ tăng trưởng ấn tượng

Các doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam năm 2023 có thái độ tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, mặc dù tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm nay.

Năm 2023 Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn năm 2022

Theo Vụ Các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên Hợp Quốc cho biết,  tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay đang gây ảnh hưởng tới các nước phát triển và đang phát triển. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2023. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy, mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ 1,9%, thấp hơn so với mức 3% của năm 2022. Đây là một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong những thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 2,7% trong năm 2024 nếu lạm phát và các khó khăn về kinh tế giảm. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đà tăng trưởng năm nay đã suy giảm ở Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nền kinh tế phát triển khác và điều này đã ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán sẽ tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 1

GDP của Mỹ được dự báo sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm 2023 sau khi tăng trưởng được dự báo ở mức 1,8% trong năm 2022. Trong khi đó, nhiều nước Châu Âu được dự báo sẽ trải qua đợt suy thoái nhẹ với cuộc xung đột ở Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ hai, giá năng lượng cao, lạm phát, và các biện pháp tài chính được siết chặt khiến chi tiêu gia đình và đầu tư gặp nhiều khó khăn. 

Trong báo cáo đầu tháng, Ngân hàng Thế giới đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 1,7% từ mức 3%. Cũng vào tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 6% trong năm 2021 xuống 3,2% trong năm 2022 và 2,7% trong năm 2023.

Bên cạnh đó, giá cả không ngừng leo thang đã ngăn lại đà cải thiện trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; làm suy yếu thu nhập thực tế và kiềm chế nhu cầu. Tất cả đã dẫn đến hoạt động thương mại kém tích cực tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.

Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn khá tích cực dù kinh tế toàn cầu suy yếu

Mặc dù thế giới đang đối mặt với nhiều biến động kinh tế trong năm 2023, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển, song cũng không tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều thành tựu, thậm chí trở thành một trong những quốc gia nổi bật về tăng trưởng GDP trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, dưới góc nhìn khá thận trọng của các doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam năm 2023, số đông doanh nghiệp đều khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng. 62,5% doanh nghiệp cho biết, sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 37,5% doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.

Báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức 6,3% - cao thứ hai trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Còn Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo rất tích cực về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ 7,2% trong cả năm 2023.

Việt Nam đã có những “nước cờ” tốt và trở thành đối tác đáng tin cậy, nhanh nhạy đối với nhiều bạn hàng quốc tế. Nhiều doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực đã trở nên linh hoạt hơn và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Động lực từ mức FDI cao trong năm 2022, đặc biệt là tỷ lệ FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án phức hợp sản xuất hoặc nghiên cứu phát triển (R&D) ngày càng tăng, được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, cũng như tiềm năng để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI lớn. 

Hơn nữa, việc đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tái mở cửa vào năm 2023 tạo thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt. Động thái mở cửa của thị trường đông dân nhất thế giới sẽ giúp hàng hóa, kể cả nông sản lẫn sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tương đối mạnh mẽ sang phía Trung Quốc.

Việc xuất nhập khẩu thuận lợi hơn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí logistics, từ đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực về lạm phát. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch sôi động trở lại cũng tạo thêm xung lực mới cho tăng trưởng năm 2023 khi tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Một động lực khác được kỳ vọng là tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.

Nhận diện cơ hội tăng trưởng thương mại trong năm nay, báo cáo của Vietnam Report tổng hợp rằng, 72,7% số doanh nghiệp kỳ vọng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng và nằm bắt được xu hướng thị trường sẽ là động lực lớn nhất đóng góp cho sự “vươn mình” của doanh nghiệp trong năm 2023. Cùng với đó, sẽ có 06 động lực đóng góp cho sức tăng trưởng doanh nghiệp trong năm 2023 bao gồm: Sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao, vị thế và năng lực cạnh tranh, mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng và việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Động lực được doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng nhất là tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng, nắm bắt được xu hướng thị trường cũng là động lực có tỷ lệ bình chọn tăng cao nhất so với kết quả khảo sát năm ngoái, từ 53,5% lên 73%.

Có đến 05 trong tổng số 06 yếu tố được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2023 đến từ nội lực của chính doanh nghiệp. Yếu tố duy nhất đến từ bên ngoài là "Trung Quốc mở cửa trở lại" và nằm ở vị trí cuối cùng. Kết quả này tương tự với quan điểm của các doanh nghiệp khi cho rằng yếu tố nội lực đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng trong năm qua.

Bảo An (t/h)

Từ khóa: