Tham dự kỳ họp có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND tỉnh - UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tư pháp, các sở, ban, ngành của tỉnh, Thường trực cấp ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của Tỉnh.
Thực hiện các thông báo kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét các tờ trình và dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm 2022, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP >10% góp phần hoàn thành toàn diện mục tiêu, chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới, dân chủ, gợi mở, có tính xây dựng cao, Chủ tọa kỳ họp đã định hướng các nội dung thảo luận trọng tâm và dành thời gian thỏa đáng cho phiên thảo luận tại hội trường. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận, bám sát định hướng, gợi ý của Chủ tọa kỳ họp, đã có 17 đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận trách nhiệm, thẳng thắn và đề xuất những nội dung có tính thực tiễn nhằm xây dựng nghị quyết có chất lượng.
Các đại biểu HĐND tỉnh đều rất quan tâm và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của người đứng đầu trong chấp hành pháp luật về một số vấn đề còn tồn tại như khâu điều hành, chấp hành, tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém; tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển, triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, trong đó có cả các công trình chào mừng 60 năm thành lập tỉnh không đạt yêu cầu (tỷ lệ giải ngân đến 31/10 mới đạt 57,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm) tiềm ẩn nguy cơ lãng phí nguồn lực công, làm giảm vai trò là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng GRDP, kích hoạt thu hút ngoài ngân sách, thúc đẩy đầu tư xã hội trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch mà Quảng Ninh có rất nhiều cơ hội; công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc có thời điểm, có việc còn chậm, chưa quyết liệt, để kéo dài, sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám quyết đoán.... Căn cứ nội dung giải trình và cam kết của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tọa Kỳ họp đã kết luận rõ ràng trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, quy định thời gian để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết những vấn đề bất cập được đại biểu quan tâm.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu, báo cáo giải trình của các cơ quan chức năng, Chủ tọa kỳ họp đã điều hành thông qua 09 nghị quyết với sự thống nhất của hầu hết đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh dự họp, thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và Nhân dân toàn tỉnh.
(1-2) Các nghị quyết về tài chính- ngân sách và đầu tư công
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025: Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn của Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (Giai đoạn 1) và phân bổ kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp tỉnh từ dự nguồn chưa phân bổ, nguồn vốn điều chỉnh giảm để bổ sung kế hoạch vốn cho 01 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; Bổ sung danh mục và kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 25 dự án khởi công mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo nguyên tắc (trong đó hỗ trợ có mục tiêu các địa phương thực hiện 17 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục thuộc Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh; 07 dự án thuộc nhiệm vụ ngân sách chi ngân sách cấp huyện).
Về dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022: (1) Thực hiện phân bổ từ nguồn Trung ương thưởng vượt thu và từ nguồn điều chỉnh giảm 35 dự án không còn nhu cầu do đã hoàn thành, quyết toán hoặc không đảm bảo khả năng giải ngân để bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các dự án thuộc và ngoài lĩnh vực giáo dục; bổ sung vốn cho Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để phân bổ chi tiết cho các địa phương; bố trí vốn cho 06 dự án hoàn thành, quyết toán; 08 dự án chuyển tiếp; 02 dự án trọng điểm. (2) Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên và dự phòng ngân sách từ các nhiệm vụ chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng không có khả năng giải ngân, kinh phí còn dư sau khi thực hiện giao mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để bổ sung cho các nhiệm vụ chi thường xuyên phát sinh và tăng nguồn Dự toán chi hỗ trợ hoạt động tín dụng nhà nước
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết này là chính sách đặc thù của tỉnh, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, được đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2027. Các đối tượng được hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, cụ thể: (i1) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; (i2) Bằng 20% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của mỗi người, nhưng không quá 05 năm (60 tháng), kể từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2027. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng và nội dung hỗ trợ. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, và thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm trục lợi chính sách, thất thoát ngân sách Nhà nước. Có cơ chế kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 – 2025.
Nghị quyết quy định người dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn 65 xã, 21 thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí (trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại) trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.
Nghị quyết về biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Nghị quyết đưa ra các nhóm mục tiêu và 8 nhóm giải pháp nhẳm cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 và Nghị quyết số 09 - NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với mục tiêu nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính; xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp gắn với định vị thương hiệu tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo động lực, sự đột phá và thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh; tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI). Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh đứng trong nhóm 03 địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Cùng với đó, HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đợt 3 năm 2022; Điều chỉnh tên, diện tích thu hồi đất, loại đất thu hồi, diện tích chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với một số dự án, công trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 117/2018/NQ- HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh .
Đồng thời, thực hiện công tác nhân sự đảm bảo minh bạch, dân chủ, khách quan, HĐND tỉnh đã thông qua 02 nghị quyết: (1) Miễn nhiệm ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 -2026 đối với Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh; (2) Bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 -2026 đối với Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh
09 NGHỊ QUYẾT TẠI KỲ HỌP THỨ 10 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XIV NHIỆM KỲ 2021 - 2026
- Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung và phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022.
- Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 – 2025.
- Nghị quyết về biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án, công trình đợt 3 năm 2022
- Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 117/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh.
- Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
9. Nghị quyết xác nhận kết quả bầu bổ sung chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ngô Quảng