Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2021): Cả cuộc đời vì nước, vì dân

Cứ đến ngày 19/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn có một món quà kính tặng Người. Nhưng với Bác Hồ, Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.

Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu

Rất có thể kho tàng lịch sử nước nhà chưa thống kê đầy đủ, cho đến nay có bao nhiêu tác phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng ngày nay, các thế hệ tiếp nối vẫn tiếp tục nghiên cứu về Người.

Thật thú vị, rất nhiều tên gọi khác nhau về Bác, song ai cũng nhận thấy “Bác Hồ” có lẽ là tên gọi được dùng phổ biến nhất. Bởi Bác Hồ không chỉ là người lãnh đạo đất nước, mà còn được coi là vị cha già của dân tộc Việt Nam. Bác là người gần gũi, thân thương trong gia đình dân tộc; cụm từ ấy phản ánh đầy đủ nhất phẩm chất tốt đẹp: giản dị mà vĩ đại.

Hàng thập kỷ qua, Đảng đã mở cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng toàn xã hội đã trở thành ý thức thường trực trong mỗi tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đảng và cộng đồng xã hội. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, vận dụng sáng tạo nội dung, phương pháp học và làm theo Bác, tùy theo cương vị công tác, chức danh đảm nhiệm, lứa tuổi, đảng viên hay quần chúng đều tự giác, tự nguyện thực hiện.

Mọi người thường nhớ lại chặng đường cách mạng mà Bác Hồ đã trải qua, những việc Bác làm vì nước, vì dân - hy sinh tất cả chỉ quên mình chính là thể hiện đạo đức và phong cách của Người. Tác phong giản dị, khiêm nhường, gần gũi đời thường nên vị lãnh tụ vô cùng gần dân.  Học, có thể làm theo Bác bắt đầu bằng những việc thường nhật: sống có đức, có tâm, mình vì mọi người, biết cho đi không mong trả lại; biết yêu cái tốt; biết ghét và đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác; dám dấn thân và tận hiến…

Quyết định số 08/QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương, nhấn mạnh: thời kỳ nào, lối sống bình dị, khiêm nhường, gần gũi với đồng bào, đồng chí của người lãnh đạo cũng là chuẩn mực để cán bộ, đảng viên hướng tới. Nội dung học và làm theo Bác được Đảng cụ thể hóa. Hiệu quả là, nhiều phong trào làm việc tốt, sáng kiến, sáng tạo xuất hiện; người làm việc tốt, hành động tử tế mỗi ngày một nhiều thêm; những tấm gương “lá lành đùm lá rách”, tinh thần tương thân, tương ái nở rộ…

Hai năm qua, cả nước gồng mình chống đại dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép. Trong cái khó ló tình người: cây gạo ATM, bữa ăn miễn phí; chia sẻ giúp đỡ những người khu cách ly: khẩu trang, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tiếp sức cho những người nơi tuyến đầu vượt qua đại dịch. Cả cộng đồng đang làm theo lời Bác. Tấm gương về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàm chứa trong đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bác Hồ là hiện thân, là người hiện thực hóa truyền thống ấy.

Hầu hết bài nói, viết của Người thường chứa đựng các cụm từ: đất nước, dân tộc, nhân dân, đồng bào... Đó chính là triết lý của NGƯỜI: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền NHÂN DÂN”. Không phải ngẫu nhiên mà ra đời quân đội nhân dân, công an nhân dân, chiến tranh nhân dân…

Trở lại lịch sử, hẳn không ai quên được lời dạy của Nguyễn Trãi: “Thuyền bị lật rồi mới hay dân là nước” (Phúc chu thủy tín dân do thủy). Những người tham gia lực lượng vũ trang cùng chung gốc là con của nhân dân. Vì sinh ra từ nhân dân nên họ vì nhân dân mà chiến đấu. 

Bác Hồ là kết tinh những điều tốt đẹp nhất của dân tộc, đất nước, con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Học và làm theo Bác cũng chính là giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử. Lịch sử các cuộc kháng chiến, chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lấy, bảo vệ nền độc lập tự do dân tộc thời đại Hồ Chí Minh đã chứng tỏ bí quyết giành thắng lợi hẳn phải biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt tư tưởng, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh của cha ông.

Đời sống giản dị đã thể hiện đức cần kiệm, liêm chính. Sinh thời, Bác Hồ có cuộc sống thanh bạch luôn dành tình yêu thương vô bờ bến cho mọi người, nhất là người nghèo. Vì thế, ước mong tột bậc của Bác là “dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; rằng sau chiến tranh sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ước mong của Người, đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam- Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). “Ở con người Hồ Chí Minh, mọi người đều thường biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Marx, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên” (nhà nghiên cứu người Ba Lan He’le’ne Tourrmaire, viết trong tác phẩm “Trở thành người Bác như thế nào?)

Vĩ đại mà bình dị trong Bác Hồ là điều mà chúng ta phải ngẫm nghĩ sâu sắc mới thấu hiểu. Gốc rễ của đạo đức, phong cách bình dị liêm chính là tấm lòng vì nước, vì dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc của Bác. Nó hoàn toàn trái ngược với lợi ích cá nhân, trục lợi, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ kìm hãm sự phát triển của dân tộc. Cả xã hội (nhất là cán bộ, đảng viên có chức quyền) nêu gương, đi đầu học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác nhất định sẽ xây dựng đất nước ta trở thành quốc gia hùng cường, lớn mạnh trong tương lai không xa. Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ cũng là dịp mỗi cán bộ, đảng viên tự “soi mình” để sửa chữa tồn tại, khuyết điểm, yếu kém (nếu có) xứng đáng là con cháu Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Văn Hùng