Luật sư là một nghề cao quý và nhận được nhiều sự tôn trọng trong việc góp phần bảo vệ công lý và lẽ phải. Không những thế, Luật sư tại Việt Nam còn tạo dựng một cộng đồng Luật sư lớn mạnh hay cụ thể hơn đó là Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng với toàn thể đội ngũ Luật sư trên cả nước. Mặc dù vượt qua nhiều thử thách, khó khăn trải qua nhiều thời kỳ nghề Luật sư ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Hoàng Thương Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn Pháp luật Vicca - thuộc Hiệp hội các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ Việt Nam (Vicca).
PV: Thưa Luật sư, nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2023), Luật sư cho biết về quá trình hình thành và phát triển của Luật sư trong xã hội Việt Nam?
Luật sư Hoàng Thương Hà: Điều đầu tiên phải khẳng định, sự ra đời của nghề Luật sư là một trong những nhu cầu tất yếu trong xã hội, đặc biệt là bảo vệ công lý cho người dân. Sự ra đời và phát triển của nghề Luật sư là vào ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 46/SL tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của nghề luật sư, nhằm mục đích ban hành các quy định về luật sư và tổ chức luật sư đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập.
Sắc lệnh 46/SL năm 1945 là một sự kiện cũng như một dấu mốc quan trọng trong việc hình thành nghề luật sư cũng như một số quyền của Luật sư trong lĩnh vực tố tụng. Đặc biệt phải nói đến quyền bào chữa cũng được ra đời và gắn liền với nghề Luật sư đã khẳng định được vai trò của Luật sư trong xã hội dân chủ pháp quyền với tư cách người bảo vệ và trợ giúp pháp lý cho nhân dân.
Kể từ đó đến nay, số lượng Luật sư ngày càng lớn và chuyên nghiệp được đào tạo bài bản với những Luật sư giỏi ở tất cả các lĩnh vực. Không những hoạt động tại Việt Nam mà còn tranh tụng tại các khu vực và quốc tế. Qua đó, bảo vệ pháp quyền cho người dân Việt Nam dù là ở bất cứ nơi đâu.
Cùng với đó, cho đến năm 2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2013 lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam, đây mà một cột mốc đáng tự hào của ngành Luật sư nói riêng và của nhân dân ta nói chung.
Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Xã hội đối với đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư tại Việt Nam, đồng thời, ghi nhận sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ Luật sư và tổ chức xã hội - nghề Luật sư tại Việt Nam. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội góp phần xây dựng, củng cố hình ảnh, địa vị pháp lý của Luật sư và nghề luật sư trước cộng đồng xã hội.
PV: Về việc Luật sư góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền ra sao, thưa Luật sư?
Luật sư Hoàng Thương Hà: Phải nói sự đóng góp của Luật sư không những dừng lại tại các hoạt động như bào chữa hay hỗ trợ pháp lý. Mà còn góp phần quan trọng của Luật sư tạo nên nền tư pháp tiên tiến, minh bạch, phát hiện những điểm mới trong tiến trình tố tụng. Qua đó, giảm thiểu những vụ án oan, sai, cùng với các cơ quan, tổ chức khác đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức pháp lý cho người dân nhằm hạn chế các tranh chấp xảy ra trong xã hội và vi phạm pháp luật.
Nhiều Luật sư còn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt là tại các Học viện, trường Đại học. Từ đó, đào tạo ra các tân Cử nhân luật hay Luật sư giúp ích cho xã hội. Nhiều nghiên cứu khoa học hay luận án từ những Luật sư có pháp lý chuyên sâu góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và đạt được nhiều thành tựu trong nước lẫn quốc tế. Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật thì không thể thiếu sự đóng góp của nghề Luật sư.
Hiện nay, nghề Luật sư ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình, nhất là trong lĩnh vực tố tụng. Pháp luật đã trao cho Luật sư rất nhiều quyền để bảo vệ thân chủ của mình. Qua đó, họ có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu dùng để chứng minh thân chủ của mình, nếu những chứng cứ này là đúng thì giá trị tương đương như của cơ quan điều tra.
Công lý là sự đúng đắn, chuẩn mực. Mặc dù với mỗi góc nhìn và mỗi phương diện khác nhau nhưng tựu chung lại đã là một Luật sư thì phải có sự khách quan, công tâm đi đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng vẫn giữ được quyền lợi của khách hàng của mình.
Bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích cho cá nhân, đối với các tổ chức doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì Luật sư như là một người hướng dẫn họ thực hiện đúng pháp luật. Có thể thấy hiện nay, hầu hết các tập đoàn, công ty lớn đều có một ban gọi là pháp chế, ở đây đa phần đều là những luật sư kỳ cựu, giỏi trong lĩnh vực doanh nghiệp, qua đó, giúp doanh nghiệp vững bước hơn trong hoạt động kinh doanh và không lo vi phạm pháp luật.
Luật sư Hoàng Thương Hà: Trước tiên phải khẳng định “đạo đức” là thứ cao quý nhất của người Luật sư. Để thực hiện việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đòi hỏi Luật sư phải không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức luôn giữ cốt cách của người cầm cân nảy mực.
Trong tất cả các ngành nghề đạo đức vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt người hành nghề luật cần phải đứng trên phương diện của lẽ phải cần phải có đạo đức tốt. Điều này, không những được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật về Luật sư và chính trong Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ, ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Hội đồng Luật sư toàn quốc về việc Ban hành Bộ quy tắc về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, cùng với đó còn ở chính người hành nghề phải tự tu dưỡng, học tập, rèn luyện và tư duy trong suốt sự nghiệp của mình.
Người Luật sư cần phải có sự trung thực: Thứ nhất là đối với chính bản thân mình, thứ hai là đối nghề, thứ ba là đối với pháp luật, thứ tư là đối với khách hàng. Một Luật sư giỏi là một Luật sư có phẩm chất đạo đức tốt.
Như Bác Hồ đã từng nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời, và làm người”. Để hiểu được ý nghĩa câu nói này của Người thì khi đã là một người hành nghề trong lĩnh vực tư pháp người đó phải biết đối nhân xử thế, làm việc phải khách quan nhưng trong sự cứng rắn còn có cái lương tâm của người hành nghề luật đặt trong đó.
Đặc biệt, Luật sư có sứ mệnh giúp khách hàng biết và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tránh được các rủi ro pháp lý, cũng như được đối xử công bằng, bình đẳng và được hưởng những quyền và lợi ích thuộc về họ theo quy định của pháp luật, có cơ hội tốt nhất trong việc tiếp cận và thực thi công lý. Bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng, bảo vệ con người về mặt pháp lý là những “giá trị cốt lõi” làm nên sự cao quý của nghề Luật sư. Ngoài ra, nhắc đến Luật sư là nói đến những người có trình độ, có văn hoá và cách ứng xử văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật nên Luật sư và nghề Luật sư luôn được xã hội tôn trọng.
Tuy nhiên, để hoàn thành các chức năng xã hội và trách nhiệm nghề nghiệp, giữ gìn hình ảnh, uy tín của Luật sư và nghề Luật sư điều hoàn toàn không dễ dàng. Trước hết, để trở thành một Luật sư giỏi đòi hỏi phải có thời gian dài học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp. Luật sư không chỉ là người có kiến thức pháp lý mà còn phải có hiểu biết xã hội sâu rộng, là người thấu tình, đạt lý, có cái tâm, cái đức với nghề, có trách nhiệm với quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Đằng sau những tự hào, vinh dự của một Luật sư là những nỗi vất vả và áp lực không nhỏ, đôi khi là những rủi ro và hiểm nguy, những trăn trở và suy tư về các vụ việc, số phận pháp lý, quyền lợi pháp của khách hàng. Do đó, để gắn bó lâu dài và thành công với nghề thì bên cạnh tài năng, kinh nghiệm, Luật sư cũng cần có lòng yêu nghề, say nghề và sự kiên trì, dũng cảm, bản lĩnh để vượt qua những sự khắc nhiệt, chông gai vốn có của nghề Luật sư.
Nhân ngày truyền thống Luật sư Việt Nam xin được gửi đến những Luật sư đang hành nghề, thật nhiều sức khỏe, niềm vui, thành công trong cuộc sống và công việc để tiếp tục nổ lực, cống hiến cho nền tư pháp Việt Nam ngày càng phát triển hơn trong tương lai!.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Phi Long (thực hiện)