Nhìn vào lịch sử dân tộc thế kỷ 20 và 21, có thể gọi thế hệ thanh niên của thế kỷ 20 là thanh niên thời chiến tranh; thanh niên thế kỷ 21 là thanh niên thời bình. Hoàn cảnh lịch sử khác nhau, môi trường sống và làm việc khác nhau đương nhiên có những đổi thay về suy nghĩ, tư duy và phương thức hành động. Nhưng có một điều cần khẳng định và tìm mọi cách để gìn giữ, phát huy: ấy là lý tưởng cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh truyền lại cho thế hệ tiếp nối – lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng, văn minh.
Các công trình nghiên cứu về thanh niên hẳn có những thông tin tin cậy để đánh giá đúng thực trạng chất lượng thế hệ trẻ đất nước. Dựa trên căn cứ ấy mà hoạch định chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lớp trẻ phù hợp với chiến lược phát triển đất nước những năm tới.
Trên bình diện truyền thông chưa có đủ thông tin mỗi ngày để tư duy, nhận định, đánh giá khách quan, chính xác về hoạt động đoàn, thanh niên, song những đánh giá trong báo cáo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017-2022) về hoạt động Đoàn, nhận thức, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, xung kích tham gia bảo vệ Tổ quốc là cơ sở để xã hội tin cậy, có niềm tin vững chắc với thế hệ trẻ.
Để triển khai tốt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Trung ương Đoàn xây dựng 8 chương trình hành động cụ thể, bao quát toàn diện các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội mà đoàn viên, thanh niên tham gia với tư cách lực lượng chủ lực, nòng cột theo tinh thần đâu cần, đâu khó có thanh niên đảm trách.
Với tinh thần tự nguyện, dâng hiến, dấn thân, tuổi trẻ luôn biết khẳng định, thể hiện bản thân mình. Nhiều phong trào được tổ chức với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả cao như: “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng”; “Thanh niên Quân đội vươn tới những đỉnh cao”; “Thanh niên Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy - xung kích, sáng tạo, tình nguyện, công lập vì an ninh Tổ quốc”... Các đợt tình nguyện cao điểm, như “ Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “ Sáng tạo trẻ”; “Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”; “Tình nguyện mùa đông”; “Xuân tình nguyện”...
Theo đó, nhiều tỉnh, thành, địa phương trong cả nước linh hoạt, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động phong phú thu hút tuổi trẻ sống, học tập, công tác trên địa bàn mình tham gia sôi nổi. Trong tháng thanh niên TP.HCM, nhiều hoạt động của tuổi trẻ đang ở vào những ngày cao điểm góp sức khôi phục kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Ở Hà Nội tuổi trẻ với nhiều hoạt động sáng tạo và chuyển đổi số; thanh niên hiến máu được duy trì đều đặn; tôn vinh, biểu dương nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu của Trung ương Đoàn, quân đội, công an đã khích lệ các bạn trẻ học tập, noi theo. Đây cũng là hình thức tuyên truyền giáo dục trực tiếp. Trung ương Đoàn cùng các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện sự quan tâm tuổi trẻ bằng việc đồng hành cùng thanh niên trong việc làm; cảm hóa, quản lý giáo dục thanh niên lầm lỡ; lãnh đạo Đoàn thường xuyên đối thoại với bạn trẻ, chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp, tiếp sức nhiều người trẻ có hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng thường xuyên, đường dài.
Thời gian qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, lực lượng thanh niên đi đầu trong nghiên cứu chống dịch, luôn có mặt ở tuyến đầu chống dịch; chấp nhận khó khăn, vất vả, dấn thân hy sinh vì người bệnh. Nhiều tấm gương tuổi trẻ khởi nghiệp, có đóng góp cho xã hội dược ghi nhận; nhiều thanh niên được kết nạp vào Đoàn, vào Đảng .
Trung ương Đoàn cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng tình hình đoàn viên, thanh niên để có căn cứ thực tiễn khoa học về chất lượng đoàn viên, thanh niên hiện nay. Trên bình diện mới, bên cạnh mặt tích cực là dòng chủ lưu, còn những biểu hiện tiêu cực trong giới trẻ như tệ nạn xã hội: cờ bạc, mại dâm, lừa đảo, cướp giật, đua xe, sử dụng ma túy, buôn bán hàng cấm… Tỷ lệ thanh thiếu niên chiếm bao nhiêu % trong một bộ phận không nhỏ xã hội ấy? tỷ lệ thất nghiệp, thanh niên không chịu lao động, làm ăn chân chính, vi phạm pháp luật, sống buông thả, không lý tưởng, không tham gia các hoạt động đoàn thể… ra sao? hơn 2 năm dịch bệnh có là nguy cơ tăng thêm tiêu cực trong thanh, thiếu niên không? Kết quả nghiên cứu ấy có thể công khai (hoặc không) nhưng quan trọng là để đánh giá đúng tình hình, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống ngăn ngừa tiêu cực đang băng hoại đạo đức, “diễn biến và tự diễn biến” giới trẻ.
Tương lai dân tộc, đất nước một phần quan trọng là dựa vào lớp trẻ, đoàn viên, thanh niên - lực lượng kế cận. Chất lượng thanh niên (đạo đức, lý tưởng, kiến thức, nhiệt huyết, dấn thân cống hiến) phải được chuẩn bị từ sớm, từ xa (độ tuổi thiếu niên). Phương pháp giáo dục chủ yếu phải là trực quan sinh động, song hành với tuyên truyền học tập. Những trải nghiệm thực tế cho tuổi trẻ (mắt thấy, tai nghe, tay sờ thấy) sẽ rút ngắn thời gian tiếp cận chân lý, lý tưởng. Hạn chế lý thuyết, giáo huấn, tăng thực hành, tương tác sẽ giúp họ nếu có vấp ngã cũng sớm trưởng thành.
Nhận thức là một quá trình. Để hiểu đầy đủ, sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “ Không có gì quý hơn độc lập tự do; đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên; đào núi và lấp biến, quyết chí ắt làm nên” thật không dễ dàng. Thế hệ cha anh đổ bao máu xương để giành và giữ nền hòa bình độc lập, tự do. Muốn bảo vệ toàn vẹn cuộc sống hòa bình hạnh phúc hôm nay các bạn trẻ phải thấm sâu chân lý ấy.