Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ( 20/11): “Có tài mà không có đức là người vô dụng”

Quản trị giáo dục là một nghề khó so với các nghề khác vì đó là sự nghiệp trồng Người. Nuôi dạy để có con người vừa thực tài vừa có đức thật sự công phu, gian khó. Đạo đức trong giáo dục nếu được coi trọng và giải quyết thấu đáo mới hy vọng sự nghiệp trồng người thành công.

“Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Lời dạy ấy của Bác Hồ có thể ứng nghiệm cho hoạt động giáo dục. Mọi thời đại, giáo dục luôn được xem trọng vì công việc ấy quyết định tương lai vận mệnh của dân tộc, quốc gia. Giáo dục tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến con người. Làm thầy cô ai cũng luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nghề giáo mãi là nghề cao quý, thiêng liêng, được xã hội kính trọng, tôn vinh nhưng cũng là công việc nhọc nhằn vật lộn với con chữ, con số để nuôi dạy con người từ khi chào đời. Nghề giáo luôn coi chữ Đức là hàng đầu, lòng tự trọng về nghề cao hơn, quý hơn tất cả. Ấy là lòng tự trọng, sĩ diện, thanh bạch luôn có ở mỗi thầy cô qua các thế hệ theo đuổi nghề sư phạm. 

Những năm gần đây, cụm từ quen thuộc với mọi người là đổi mới chương trình giáo dục, xã hội hóa giáo dục, cải cách giáo dục, cách mạng giáo dục, trong đó có ra đề thi, biên soạn, xây dựng nội dung sách giáo khoa ngày càng phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu của người dạy, người học. Nỗ lực để mỗi người học tốt hơn, thực học, thực dạy tốt hơn.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ( 20/11): “Có tài mà không có đức là người vô dụng” - Ảnh 1

Hơn thế, Hegel đã nói: “Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức”, vậy nên thầy cô phải luôn là tấm gương sáng để các em học sinh soi chung. Người lớn tuổi, cha mẹ cũng vậy. Làm được vậy không dễ, nhất là bối cảnh xã hội và thế giới hiện nay đang chịu nhiều tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường- lối sống, cách nghĩ, môi trường hội nhập thế giới sâu rộng, toàn diện. Người bi quan cho rằng, thực trạng xã hội thời nay:  đạo đức xuống cấp, lý tưởng biến mất, giá trị truyền thống bị phá vỡ.

Những năm qua, đóng góp thiết thực, cụ thể cho sự nghiệp trồng người của nhiều thế hệ thầy cô giáo được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Hình ảnh thầy cô bám trường, bám lớp, bám thôn bản cùng sẻ chia ngọt bùi, khó khăn vất vả với học trò, với phụ huynh để “cõng, gieo từng con chữ” vì tương lai con em chúng ta đẹp đẽ biết bao, trân quý biết bao, xúc động lòng người biết bao. Truyền thông cho xã hội biết còn nhiều địa bàn xa xôi, hẻo lánh, đời sống kinh tế - xã hội gặp khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, ở đó, mọi người ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm, thiếu lớp, thiếu trường, các em học sinh còn phải chịu thiệt thòi.

Tấm lòng thảo thơm của xã hội, cộng đồng luôn hiện hữu, dõi theo và giúp đỡ. Nhiều chương trình, dự án của các tổ chức, cá nhân “ mạnh thường quân”, trong đó có các cơ quan báo chí, nhất là doanh nghiệp, doanh nhân được triển khai tích cực. Một số chương trình “ Tiếp sức đến trường”; “Nâng bước em tới trường”, “Bữa cơm có thịt”, “Cặp lá yêu thương”, “Con nuôi bộ đội, công an”... đã làm thay đổi toàn diện nhiều điểm trường phổ thông bán trú vùng cao. Từ bữa cơm chưa no, chưa đủ chất này đã đủ đầy.

Những lớp học, bếp ăn, nhà ở, khu vệ sinh... được xây dựng mới khang trang, vững chắc từ hàng triệu tấm lòng, hàng triệu trái tim yêu thương. Đó là sự khích lệ, động viên thầy cô đang tận hiến cho sự nghiệp giáo dục, họ còn phải chịu thiệt thòi so với đồng nghiệp nơi thuận lợi. Ghi nhận những hoạt động xã hội hóa giáo dục thời gian qua chính là khuyến khích ủng hộ, giúp đỡ những em học sinh các cấp có hoàn cảnh khó khăn có chí vươn lên, không ngừng học tập. Quỹ khuyến học, tiếp sức đến trường trao tặng nhiều suất học bổng cho sinh viên, học sinh...Thông qua đó, gửi thông điệp tốt đẹp cho mọi người, trong đó có thầy cô họ luôn sát cánh “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Thực tế là, ở những nơi còn nhiều khó khăn, bất cập về chế độ đãi ngộ cho thầy cô thì ở đó luôn tràn ngập tình người, có nhiều người tốt, việc tốt. Ở những nơi thành phố, đô thị điều kiện vật chất đủ đầy, lại hay nảy sinh tiêu cực, tạo dư luận không tốt về hình ảnh thầy cô, trò, nhất là đạo đức học đường. Đây là biểu hiện dễ thấy nhưng chưa được phân tích, lí giải thấu đáo căn nguyên. Sự nghiệp trồng người vô cùng cao quý.

Trồng người cần đến hàng trăm 100 năm. Vẫn biết, tiêu cực, yếu kém trong giáo dục chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, là bộ phận thiểu số nhưng lại xảy ra thường xuyên: đánh lộn, nói tục, chửi thề, có cả tham nhũng trong hoạt động giáo dục, trong đội ngũ giáo viên. Một bộ phận thầy cô đã bị diễn biến, tự diễn biến; tiêu cực trong lĩnh vực xuất bản, sách giáo khoa; gian lận thiếu liêm chính trong khoa học của người có danh xưng học hàm học vị ...cũng đang làm mất lòng tin vào người làm giáo dục. Không phải ngẫu nhiên xã hội quan tâm, truyền thông luôn dõi theo, thông tin “ nóng” về một số vụ việc khó chấp nhận ở một môi trường vốn luôn được coi là “mô phạm”.

Xét cho cùng, nếu không có sự tham gia đồng bộ, trách nhiệm, phối kết hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội rất khó khắc phục được tồn tại yếu kém trên, không thể có được sản phẩm giáo dục chất lượng đạt chuẩn như mong muốn. Chiếc “kiềng 3 chân” ấy chỉ cần một chân yếu, thiếu, hẳn sẽ chao đảo, không thể trụ vững. Vậy nên cần phân tích được hiện giờ “chân” nào đang yếu? những điểm yếu là gì? Mỗi kỳ họp quốc hội, mỗi mùa khai giảng, kỳ thi các cấp lại đầy ắp thông tin theo cả hai chiều tích cực và hạn chế.

Chuyện ra đề thi, chấm thi, tuyển sinh và lạm thu học phí; chuyện hạ tầng giáo dục; số lượng đội ngũ giáo viên, nội dung chọn sách giáo khoa. Động viên, khen, chê bai, phản biện, góp ý, hiến kế... đủ cả.  Những thông tin ấy được xã hội rất quan tâm, luận bàn. Nào là chuyện giáo dục mầm non, giáo dục vùng cao, giáo dục thành phố; liêm chính trong khoa học, đạo đức thầy cô, trò lại được bàn thảo để rồi những yếu kém, tồn tại vẫn lặp lại với mức độ khác nhau. Nhờ minh bạc thông tin ấy mà dư luận xã hội, ý kiến đa chiều từ mọi góc nhìn rất sôi nổi. Giận dỗi có, buồn chán có, vui vẻ có và mất lòng tin cũng có.

Những hay, giở giáo dục nước mình có cũng đang hiện hữu ở không ít quốc gia, ngay cả các nước có nền giáo dục phát triển. Chỉ khác nhau ở tính chất, mức độ, dạng thức. Vấn đề cần tìm ra căn nguyên và giải pháp khắc phục hiện trạng này như thế nào? Có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa đầu tư cho giáo dục đúng tầm. Ví như đầu tư cho giáo dục đại học quá thấp. Việt Nam chỉ đứng thứ 22/23 nước, trên Lào mà thôi!

Đầu tư cho đội ngũ giáo viên vẫn nằm trong câu hỏi: bao giờ lương, phụ cấp đủ để họ sống bằng nghề? (nhất là vùng khó khăn). Cũng như nhiều ngành nghề khác, thầy cô cũng là con người luôn cần nhu cầu vật chất và tinh thần tối thiểu để làm nghề, hơn thế để yêu nghề, gắn bó với nghề. Họ luôn cần thái độ “tôn sư trọng đạo” từ xã hội, học trò. Ngược lại, xã hội đòi hỏi thầy cô phải là tấm gương sáng để trò soi chung? 

Quản trị giáo dục là một nghề khó so với các nghề khác vì đó là sự nghiệp trồng Người. Nuôi dạy để có con người vừa thực tài vừa có đức thật sự công phu, gian khó. Đạo đức trong giáo dục nếu được coi trọng và giải quyết thấu đáo mới hy vọng sự nghiệp trồng người thành công. Đó cũng là chăm lo cho tương lai đất nước, dân tộc để Việt Nam để sánh vai với cường quốc năm Châu trong tương lai không xa.

VĂN HÙNG