Mới đây báo chí thế giới đưa tin, các nhà khoa học về trái đất đã phát hiện bước đầu trên mặt trăng có nước. Đây được xem là nguồn sống của con người. Nước còn cung cấp oxy để duy trì sự sống trên trái đất. Vì thế bảo vệ, duy trì và khai thác bền vững nguồn tài nguyên quý giá và hữu hạn này từ lâu đã trở thành nguyên tắc bắt buộc với mọi quốc gia. Bởi nhiều nguyên nhân, nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng trên khắp hành tinh.
Biến đổi khí hậu cực đoan trong những thập niên gần đây cho thấy một phần bởi tự nhiên, phần khác là do tác động của con người, như khai thác bừa bãi, vô tội vạ, sử dụng lãng phí nguồn nước; thiếu hành lang pháp lý tạo kẽ hở luật pháp về nước; quản trị nguồn nước bị xem nhẹ đã dẫn đến hệ lụy khôn lường- thiếu nước sinh hoạt cho mọi người, nước sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo chất lượng, bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau.
Nước ta hiện đang nằm trong tốp quốc gia có lượng dân số cao ở trong và ngoài khu vực. Nhu cầu nước cho cuộc sống ngày càng tăng, chưa kể nước phục vụ tưới tiêu trong trồng trọt, nông nghiệp rất lớn khi mức độ ứng dụng công nghệ tưới cây còn khiêm tốn…. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, sông hồ tự nhiên bị san lấp, lấn chiếm bởi quá trình đô thị hóa nhanh; chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang làm suy thoái nguồn nước. Mực nước ở các con sông lớn nhỏ, nhất là thượng nguồn dần cạn kiệt dần bởi các công trình thủy điện. Đôi khi hạn hán từ biến đổi khí hậu. Không ít con sông bị khai thác cát, sỏi tài nguyên khoáng sản gây biến đổi dòng chảy, ao hồ bị lấn chiếm không còn phát huy vai trò trữ nước, giữ nước.
Đương nhiên, lũ lụt sẽ đưa nước nhanh ra biển và trên đất liền lượng nước ngọt sụt giảm nghiêm trọng. Tình trạng mất cân đối về nước sạch, nước ngọt diễn ra không chỉ trong mùa khô, ở những địa phương được coi là vùng khí hậu khắc nghiệt, luôn hán hạn kéo dài mà còn thiếu nước ngọt, nước sạch ở cả đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 3 này, nông dân tỉnh Hậu Giang đang thiệt hại không nhỏ bởi nhiều diện tích lúa đang trổ bông bị khô cháy vì hạn hán. Lượng nước mặt cung cấp nước cho các nhà máy nước sạch dùng trong sinh hoạt của người dân cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, có nơi chất lượng nước đầu vào của các nhà máy nước cũng không còn đạt độ chuẩn theo quy định khoa học. Quản lý tình trạng thất thoát nước, giá nước sạch, giám sát việc sử dụng nước sạch khoa học, tránh lãng phí còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chế tài pháp luật. Hay việc xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa nên nguy cơ thiếu nước sạch, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ngày một gay gắt hơn.
Ở khu vực thành thị, ý thức sử dụng tiết kiệm nước sạch còn nhiều hạn chế, một phần do giá nước rẻ. Quan sát các bãi, trạm, tiệm rửa xe máy, xe ô tô các loại đủ thấy lượng nước sạch được sử dụng mỗi ngày với số lượng không nhỏ, khá thoải mái. Ai dám chắc không có thất thoát khi thông tin về số lượng nước tiêu thụ và lượng tiền nước thu về cho ngân sách chưa được công khai cập nhật từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch. Trong khi đó, nhiều họng nước ( trụ nước dùng cho phòng cháy, chữa cháy) thường xuyên bất lực khi cần vì không có nước. Các phương tiện truyền thông thi thoảng lại rộ lên chuyện thiếu nước sạch cục bộ, thiếu nước ngọt ở vùng ngập mặn buộc người dân phải tự ý khai thác nguồn nước ngầm, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, nước tưới. Việc xây hồ chứa nước ngọt, nước mưa được triển khai ở một số địa phương đang là phương pháp tình thế để “tự cứu mình”. Xem ra nỗi lo thiếu nước sạch không còn là chuyện cá biệt nữa, ngay cả thành phố lớn.
Nước đến chân mới nhảy vấn luôn đúng mỗi khi bàn về chuyện thiếu nước sạch. Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại câu chuyện tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước sạch, khắc phục hiện trạng ô nhiễm nguồn nước; khai thác một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả ngay từ hôm nay, khi mọi chuyện chưa đến mức nguy cấp, báo động. Thiếu nước sạch cho đời sống hàng ngày, nước cho sản xuất và tưới tiêu nông nghiệp; nước dùng không đạt chuẩn vệ sinh còn dẫn tới phát sinh dịch bệnh, đảo lộn sinh hoạt hàng ngày con người, xã hội. Nếu kéo dài hậu quả thật khó lường. Vì thế, các quốc gia đều coi quy hoạch. quản lý tài nguyên nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả là nhiệm vụ chiến lược cần được đầu tư bài bản. Mọi thông tin về nước đều được cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng.
Truyền thông đầy đủ, kịp thời tình hình về nước sạch trên thế giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của nước sạch. Đói hay khát đều dẫn đến cái chết chỉ khác nhau ở nhanh hay chậm mà thôi. Ngày nước sạch thế giới nhắc nhở mọi người thông điệp mạnh mẽ và cấp bách về tình trạng trái đất không ngừng nóng lên với tốc độ cao, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt hơn; ô nhiễm môi trường sống và nguồn nước đang gia tăng. Nhiều quốc gia đang tìm mọi giải pháp để giải quyết bài toán trước mắt cũng như lâu dài nhằm tiết kiệm tối đa lượng nước sạch hiện có.
Ô nhiễm môi trường sống có thể tạo nên cái chết từ từ, nhưng thiếu nước sạch, cạn kiệt nước sạch lại hoàn toàn khác. Bằng cách nào để mọi người hiểu sâu sắc rõ hơn và sẵn sàng chung tay hành động thiết thực bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý trước hết thuộc về các cơ quan chức năng liên quan đến quản lý nguồn tài nguyên nước sạch. Đương nhiên, lực lượng truyền thông luôn giữ vai trò quan trọng không thể thiếu, là bạn đồng hành chiến lược. Vấn đề nước sạch toàn cầu đã và đang trở nên quan trọng và cấp thiết đến nhường nào?
VĂN HÙNG