Biến đổi khí hậu cực đoan là cụm từ quá đỗi quen thuộc với mọi người qua các bản tin thời tiết trên truyền thông mỗi ngày. Trái đất nóng lên từng giờ, tháng, năm. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ Âu sang Á nơi thì khí hậu bất thường nóng lên (chẳng hạn một thành phố biển của Braxin); hạn hán, không có (hoặc khan hiếm nước sinh hoạt), gián tiếp là nguyên nhân của các vụ cháy rừng; nơi lại lạnh giá đột ngột, mưa bão, lũ lụt dồn dập; nơi băng tan, nơi tuyết phủ... (Hồ Cuitzeo, bang Michocecan, Mexico- hồ lớn thứ 2 của Mexico đã mất gần 70% lượng nước).
Kèm theo đó là hệ lụy khôn lường, nhãn tiền: mùa màng thất bát, đói, rét kéo dài, bệnh dịch bất thường. Các nhà quản trị xã hội, quốc gia, nhà khoa học chuyên ngành trái đất, khí hậu, khí tượng, thủy văn…liên tục đưa ra những bằng chứng thuyết phục lí giải cuộc sống con người đang phải chịu sức ép gì? Như thế nào? Dự báo về tương lai môi trường sống của họ chịu tác động tiêu cực thế nào? Không ít người bày tỏ lo lắng về tương lai cuộc sống bất định, nhất là các bạn trẻ, một bộ phận đang gặp phải các căn bệnh thường thấy: lo âu, trầm cảm, buồn bực, chán nản… Người già, lo cũng chẳng được!
Nhớ lại, dịp đến thăm Singapore, tôi đặc biệt ấn tượng khi tận thấy và được biết quốc đảo này không có nguồn nước ngọt, nước sạch tự nhiên, dồi dào như các quốc gia khác. Họ phải mua nước sạch từ nước láng giềng Malaysia. Nhận thức được khó khăn này, chính quyền và người dân luôn biết khai thác, tận dụng triệt để nguồn nước tự nhiên do ông trời ban tặng, nhất là nguồn nước mưa, nước từ trên rừng, các con suối, khe núi chảy xuống. Xuyên chạy dọc ngang trong lòng thành phố là con mương nhân tạo khá rộng, lòng mương được xây dựng kiên cố bền vững lâu dài bởi các vậy liệu như đá xẻ, bê tông cốt thép…trải dài như ruộng bậc thang, chỗ nước đầy, chỗ nước vơi. Nước trong vắt, nhìn xuyên đáy mương.
Được biết con sông “mini” trải dài hàng chục km, có độ dốc thích hợp theo địa hình tự nhiên của thành phố dẫn các nguồn nước thô, chủ yếu là nước tự nhiên về nhà máy xử lý nước sạch của thành phố ở hạ lưu để cung cấp cho người dùng. Làm thế nào để bảo vệ tuyệt đối an toàn nguồn nước này khi con mương dẫn nước chạy song hành với trục giao thông nội đô mà không bị tác động môi trường khách quan, chủ quan ? Câu hỏi này được giải đáp thỏa đáng bởi mọi người dân ứng xử rất chuẩn mực, chính quyền có biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn nước phục vụ các nhu cầu sản xuất, cuộc sống của toàn xã hội.
Nước nói chung và nước sạch nói riêng là điều kiện quyết định sự tồn tại của con người trên hành tinh. Không chỉ các quốc gia tương tự như Singapore sớm nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nước mà các quốc gia văn minh, phát triển đều chủ động bằng mọi cách tạo nguồn nước sạch (kể cả biến nước biển, nước thải thành nước ngọt, nước sạch) tích trữ và sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm. Con người có thể còn chưa được đáp ứng các nguồn nguyên, nhiên liệu như xăng dầu, điện nhưng không thể thiếu nước, nhất là nước sạch.
Ở Việt Nam, thiếu nước sạch, ô nhiễm nguồn nước thường xuyên xảy ra ở các mức độ khác nhau, nhất là vùng hay xảy ra hạn hán. Quy hoạch, khai thác nguồn nước dường như còn chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, khi sự cố nước sạch xảy ra, các cơ quan chức năng liên quan tỏ ra lúng túng, bị động và mất thời gian khá lâu để khắc phục. Rất nhiều lí do giải thích cho thực trạng này. Hoạt động khai thác nguồn nước để phục vụ đời sống đang diễn ra ở rất nhiều tỉnh, thành chưa được quy hoạch bài bản còn mang tính tự phát, thiếu sự kiểm soát, quản lý bền vững, chặt chẽ của các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương. Khi xây dựng các công trình thủy điện thường mất rừng. Không ít người dân tự ý khoan giếng, xây bể chứa nước mưa.
Lại có địa phương, tỉnh thành bởi nhiều lý do hồ ao bị xâm lấn, san lấp; sông suối bị ngăn chặn, ô nhiễm, bức tử vì nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh…Con người đang làm ô nhiễm nguồn nước sạch tự nhiên một cách không thương tiếc. Nạn khai thác cát sỏi bừa bãi làm cho nhiều dòng sông bị biến dạng, thay đổi dòng chảy, gây lũ lụt, sạt lở…ảnh hưởng đến nguồn nước được tích trữ. Thiên nhiên (nhất là rừng nguyên sinh, đầu nguồn) đang bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng là lá chắn, là công cụ để trữ nước cho đất, hạn chế lũ lụt nay đang bị hãm hại. Cuộc chiến với lâm tặc xem ra còn gian nan.
Cung cấp nước cho cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Vẫn còn tồn tại những xung đột trong cơ chế, lỗ hổng trong quy định pháp luật nên các doanh nghiệp chưa mặn mà với các dự án kinh doanh nước sạch. Đôi khi chuyện giá cả, chất lượng, tính ổn định trong cung cấp nước lại bất ngờ nóng lên ở một số cụm dân cư cả thành phố lẫn vùng nông thôn.Thất thoát, lãng phí nước bởi việc quản lý, kiểm soát khâu làm ra nước sạch và sử dụng nước sạch còn nhiều lỗ hổng, yếu kém. Chỗ thì thừa nước sinh hoạt, thoải mái dùng nước sạch rửa phương tiện cơ giới, chỗ thì thiếu nước trầm trọng, phải mua từng lít, phải trông cậy vào sự hỗ trợ, giải cứu của nhà nước.
Những yếu tố tác động đến nguồn nước là cây xanh, đặc biệt là rừng, hồ ao, sông ngòi, thủy điện, hồ bể chứa ( dự trữ ) nước ngọt, sạch. Nguồn nước ở các con sông còn phụ thuộc vào địa lý tự nhiên, nước mình nằm ở hạ lưu, cuối nguồn các con sông lớn. Sông ngòi Việt Nam thường nằm ở hạ lưu các con sông lớn phải phụ thuộc vào điều tiết nước từ quốc gia láng giềng. Nạn phá rừng thỉnh thoảng lại xảy ra, rừng nghèo mở rộng, rừng nguyên sinh, đầu nguồn bị thu hẹp. Sông, hồ, đồi rừng bị lấn lướt bởi trăm ngàn lí do. Chưa kể nguồn nước đầu vào (nước thô) của nước sạch đang bị uy hiếp bởi ô nhiễm. Trước thực tế thiếu nước sinh hoạt, canh tác nơi vùng cao, vùng khô hạn, các địa phương thường xuyên xảy ra nhiễm mặn, người dân và chính quyền đang tìm cách đối phó, khắc phục với phương thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh thực tế.
Do hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu long, có địa phương đề xuất xây dựng dự án đưa nước ngọt từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai về Long An, Tiền giang; đồng thời khuyến khích và hướng dẫn người dân trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Cà Mau hiện có 12.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô. Miền Tây đang phải gồng mình chống chọi với đợt cao điểm nắng nóng và hạn mặn khốc liệt, nguồn nước ngọt sông Mekong khan hiếm do tác động từ thượng nguồn. Hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn khô. Đà Lạt lo thiếu nước tưới tiêu vì hồ này là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính của thành phố Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương; nếu nhà máy thủy điện lấy nước để phát điện thì còn mâu thuẫn nữa…Đó chỉ là một vài ví dụ viện dẫn cho thực trạng thiếu nước nói chung, nước sạch nói riêng ở nhiều địa bàn trên cả nước.
Câu chuyện “khủng hoảng nước sạch” đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với không khí, các yếu tố khác, nước sạch làm nên và duy trì sự sống của con người. Khắc phục tình trạng này ngoài chiến lược quy hoạch nguồn nước, kiểm soát việc khai thác sử dụng theo quy định pháp luật nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nước sạch có ý nghĩa quyết định.
Ngăn ngừa, hạn chế tối đa hoạt động xâm hại, hủy hoại, gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên nước; tiếp tục điều tra cơ bản tài nguyên nước; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo lành lang pháp lý thực thi trong đời sống về chất lượng, giá thành sản phẩm nước, quy định chặt việc khai thác nguồn nước ngầm…Xem ra còn không ít việc các cơ quan chức năng phải làm để kịp thời bảo vệ nguồn nước; mọi người hiểu biết đầy đủ và có ý thức chấp hành nghiêm việc sử dụng nước sạch một cách tiết kiệm, hợp lý phù hợp với triết lý NƯỚC VÀ NƯỚC SẠCH LÀ SỰ SỐNG CỦA CHÚNG TA.
VĂN HÙNG