Sử dụng cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, đầu tư có hiệu quả cho giáo dục- đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động sẽ tạo ra nguồn lực lao động chất lượng tốt đất nước phát triển. Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực nước ta, có thể nhìn vào thực tế: nước ta hiện có 38 triệu lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 13,6 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên.
Năm 2022, 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động, nhưng 73,8% lao động không có chuyên môn kỹ thuật, 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu /tháng. Người lao động không có chuyên môn kỹ thuật thu nhập 5,7 triệu đồng/tháng, trong khi nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ có thu nhập gấp 1,6 lần ( 9,3 triệu đồng/tháng). Muốn áp dụng công nghệ 5.0 phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn lao động nước ta tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, vì vậy dễ dàng bị thay thế bởi máy móc vốn ngày càng phát triển.
Quy mô dân số nước ta đạt 100 triệu vào tháng 4/2023. Đây là nguồn nhân lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế- xã hội, là cơ hội để phát triển đất nước với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn. Chúng ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70 % trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” để các quốc gia phát triển kinh tế- xã hội và cơ hội vàng chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia.
GDP đầu người Việt Nam chưa cao ( hơn 4000 USD/năm), mới vượt qua thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng xuất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Phương hướng giải quyết bài toán về chất lượng nguồn nhân lực cần phải có những chính sách phù hợp như nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, Tăng cường cơ hội việc làm, nhất là việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng xuất lao động; đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên thông qua liên kết đào tạo, có địa chỉ nhất là với các doanh nghiệp.
Có ai đó từng ta thán “dân số vàng nhưng người trẻ chạy xe ôm thì xót xa quá”! Thời cơ dân số trẻ, quy mô đủ lớn, đạt được mức thu nhập trung bình thấp nhưng còn rất nhiều hạn chế khi xét về chất lượng nguồn nhân lực. Bởi thế, phải nâng cao chất lượng dân số bằng đầu tư thích đáng cho y tế, giáo dục. Tận dụng cơ cấu dân số vàng, nếu không khai thác được thì sẽ không còn là vàng nữa!
Câu chuyện trên tưởng như vừa quen vừa cũ, nhưng thật ra nó luôn chứa đựng đời sống mới, luôn đầy ắp tính thời sự. Số lượng lao động dù ít nhưng đạt chất lượng cao ( trình độ chuyên môn cao, có khả năng sáng tạo, tinh thần xả thân cống hiến, trình độ đủ để hội nhập quốc tế…) sẽ khỏa lấp được khoảng trống về số lượng theo triết lý “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
Trái lại, số lượng lao động lớn nhưng chất lượng thấp, quy hoạch kém thì đông cũng vẫn yếu. Từ lâu, mâu thuẫn giữa công tác đào tạo và nhu cầu lao động của thị trường nhân lực vẫn tồn tại, cung không đủ cầu, mất cân đối giữa sản phẩm ( người lao động) với nhu cầu của thị trường lao động. Vừa thừa ( nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, nhân lực nặng về lý thuyết, kinh viện, kém thực tế, nặng về làm thầy); nhưng lại thiếu lao động có khả năng đáp ứng những hoạt động cụ thể có thực chất đúng theo nghĩa thợ lành nghề. Thiếu nữa là sự cần cù, chịu khó khăn và sáng tạo. Một người dân bình thường không hẳn có bằng cấp vẫn có thể sáng chế, phát minh, sáng tạo, chế tạo ra máy móc, công cụ lao động sản xuất từ giản đơn đến phức tạp trong điều kiện không được ai trợ giúp nguồn lực tài chính.
Thực tế này chưa phải số đông nhưng cũng không còn là cá biệt. Nó đòi hỏi cần phải tập trung đầu tư cho đào tạo đội ngũ thợ lành nghề. Điều này phù hợp với xã hội hiện đại, số người quản lý luôn phải ít hơn người trực tiếp làm ra sản phẩm. Nói cách khác thầy ít nhưng thợ phải nhiều, một người lo ( nghĩ ra ý tưởng) nhưng phải rất nhiều người làm ( thực hiện triển khai hiện thực hóa ý tưởng của người chủ- lãnh đạo). Tư duy ấy sẽ mang lại hiệu quả. Người lao động càng sáng tạo trong thực tiễn càng làm phong phú hơn chất lượng sản phẩm. Thời đại công ngệ 5.0 và hơn thế là trí tuệ nhân tạo, máy móc hiện đại sẽ thay thế hoạt động bằng sức, bằng chân tay của con người nhưng không thể thay thế hoàn toàn và mọi việc của con người trong đời sống kinh tế- xã hội.
Thời cơ là lực lượng. Năm 2023 và những năm tiếp theo của thập niên này được coi là thời cơ của cơ cấu dân số vàng. Nắm bắt, chắt chiu, tận dụng tốt thời cơ ấy, nhất định đất nước ta sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của kinh tế- xã hội toàn cầu theo cả hai khả năng thuận lợi và bất lợi. Quốc gia đông dân không hẳn chỉ có thuận lợi bởi đất chật người đông, tốc độ già hóa dân số nhanh; tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, là nước trong tốp đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai; trải qua nhiều năm chiến tranh, đi lên từ đổ nát, hoang tàn, hệ lụy của chiến tranh còn kéo dài.
Sau đại dịch covid-19, 40.000 cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế và giáo dục nghỉ việc, chuyển việc bởi lương thấp, môi trường làm việc nhiều áp lực, nay thêm người lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành xây dựng đang thiếu việc làm ( khi bất dộng sản đang gặp khó khăn); trong quý 1/2023 có 6 vạn doanh nghiệp bị phá sản; 21.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; nông dân di dân và chênh lệch mức sống, phân hóa giàu nghèo gia tăng… Đó là những khó khăn thực tế chúng ta phải lường trước vì nó tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Chăm lo cho người lao động có việc làm, quy hoạch thị trường lao động hợp lý trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của từng lĩnh vực kinh tế- xã hội đang đặt ra những thức thức không nhỏ cho những cơ sở đó quan liên quan và người quản lý đất nước. Người dân luôn tin tưởng và kỳ vọng vào tài chèo lái con thuyền cách mạng của người lãnh đạo đất nước, nhất là trong những thời điểm đất nước đứng trước cơ hội vàng nhưng cũng trùm khăn khó thức.
VĂN HÙNG